Công tác xã hội kết nối yêu thương

(VOV5) - Hiện nay, công tác xã hội đã trở thành nghề chuyên nghiệp có vai trò quan trọng, được Nhà nước công nhận về mặt pháp lý, được xã hội thừa nhận, góp phần thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Công tác xã hội đã góp phần vào việc giải quyết mối quan hệ giữa con người và con người, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người dân và sự ổn định xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, nghề công tác xã hội còn khá mới mẻ đối với nhiều người. 

Công tác xã hội kết nối yêu thương - ảnh 1
Sinh viên công tác xã hội tham gia Ngày hội Công tác xã hội thế giới tại Trường ĐH Lao động xã hội (Ảnh: giadinh.net.vn)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Đỗ Thị Thùy Dung, sinh viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, có “thâm niên” công tác xã hội được gần 6 năm. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Thùy Dung cùng với bạn bè tổ chức nhiều hoạt động xã hội thiết thực sẵn sàng giúp đỡ người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, như hoạt động Giáng sinh ấm, chương trình Đông ấm tại các xã vùng sâu, vùng xa… Thùy Dung chia sẻ phần lớn những người làm việc trong lĩnh vực này chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội, dẫn đến tình trạng có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Nhiều người còn nhầm lẫn nghề công tác xã hội với công việc từ thiện. Đây cũng chính là lý do Đỗ Thị Thùy Dung đăng ký và theo học ngành công tác xã hội học được gần 4 năm.

Dung tâm sự: “Có những người có định hình cơ bản về công tác xã hội nhưng họ vẫn nghĩ hoạt động xã hội liên quan đến mảng từ thiện nhiều hơn. Tuy nhiên, khi mọi người tiếp xúc với các đối tượng thì thấy rằng bên cạnh việc hỗ trợ cho họ về mảng vật chất thì đời sống tinh thần của họ cũng là một điều cần quan tâm. Công tác xã hội sẽ làm được điều đấy, có thể tham vấn, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lang thang… có thể kết nối nguồn lực cho họ. Đối với công tác xã hội cần rất nhiều kỹ năng như thấu cảm, lắng nghe.”       

Công tác xã hội kết nối yêu thương - ảnh 2
Công tác xã hội đến với vùng sâu, vùng xa...

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có khoảng 6 triệu người có hoàn cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ đặc biệt về mặt xã hội. Nghề công tác xã hội hiện nay còn khá mới mẻ nên mạng lưới các cơ sở, tổ chức cung cấp dịch vụ và cộng tác viên công tác xã hội còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Hiện, khuôn khổ pháp lý Việt Nam về phát triển nghề công tác xã hội vẫn còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Ông Nguyễn Trọng Tiến, Trưởng khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho rằng: “Trong công tác xã hội, cái khó khăn nhất bây giờ là tuyên truyền về văn bản, cơ chế mà hiện nay đã có đến tất cả các cơ sở. Tôi nghĩ rằng cần phải có nhiều cơ chế khác, văn bản khác để quy định, tuyên truyền thêm cho hoạt động về đào tạo cũng như tiếp nhận những sinh viên ra trường đó. Thứ hai, việc liên kết, giới thiệu dịch vụ cho đối tượng, cho thân chủ là rất quan trọng. Trong khi đó, nếu mà có hành lang pháp lý rồi nhưng mà sự hỗ trợ, tuyên truyền đó chưa được thông, các cơ quan có trách nhiệm chưa ủng hộ thì sẽ rất khó khăn.”      

Công tác xã hội kết nối yêu thương - ảnh 3
Và đến với những bệnh nhân nghèo.

Theo Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 đào tạo được 6 nghìn cán bộ xã hội mới. Để đạt được điều này, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cần quan tâm hơn nữa đến công tác xã hội và nghề công tác xã hội, nên đầu tư thích đáng cho công tác này. Bà Lotta Sylwander, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, nêu ý kiến: “Việt Nam cần làm rõ vai trò về chức năng cũng như các hoạt động của các cán bộ xã hội và thành viên trong hệ thống phúc lợi xã hội bao gồm lĩnh vực như y tế, giáo dục cũng như hỗ trợ xã hội, những tiêu chí đăng ký công việc công tác xã hội để các cán bộ xã hội có thể được cấp phép hành nghề cũng như quy định về tiêu chuẩn hay nguyên tắc đạo đức cho công việc này.”

Công tác xã hội là một nghề “đặc biệt” bởi nó giúp giải quyết những tác động xã hội, bảo vệ nếp sống lành mạnh. Đối tượng tác động của nghề là những đối tượng đặc biệt trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội như: trẻ em, phụ nữ, người già yếu không nơi nương tựa, người tàn tật, người mắc tệ nạn xã hội (nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS), nạn nhân nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin... Do vậy, công tác xã hội sẽ được thực hiện tốt nếu mỗi tổ chức, cá nhân hiểu sâu sắc về công tác này và góp sức cùng xã hội kết nối yêu thương./.

Phản hồi

Các tin/bài khác