(VOV5) - Mỗi bức ảnh mang một câu chuyện ý nghĩa mà không đơn giản chỉ là hình ảnh.
Xuyên suốt 35 bức ảnh trưng bày tại triển lãm đang diễn ra Triển lãm diễn ra đến hết ngày 1/10 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle tái hiện sinh động và đa dạng cuộc sống của các dân tộc ở Việt Nam. Những bức chân dung nổi tiếng của anh về hình ảnh cụ bà, trẻ em đại diện cho các dân tộc ở Việt Nam. Các nhân vật chụp trong ảnh đều mặc trang phục truyền thống, tất cả thể hiện phong tục tập quán và những kiến thức cổ xưa được truyền từ đời này sang đời khác, sự thách thức trong việc gìn giữ và niềm hy vọng những giá trị ấy sẽ sống mãi trong cộng đồng.
Tour tham quan đặc biệt cùng tác giả - Nhiếp ảnh gia Réhahn và lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia Pháp Réhahn đã nâng tầm vẻ đẹp và niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo nên một bức khảm đẹp về con người Việt Nam như chia sẻ sau đây của PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Trưng bày Di sản vô giá thêm một cơ hội để công chúng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của nhiều tộc người. Qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Pháp, các bức chân dung được thực hiện rất có hồn, luôn ánh lên vẻ đẹp hồn hậu, tự nhiên…Một lần nữa di sản văn hóa trong đó có trang phục truyền thống tiếp tục được sống động tại Bảo tàng và lan tỏa…”
Bức ảnh Người Bru - Vân Kiều một trong những bức ảnh của bộ sưu tập "Di sản vô giá" |
Nhiếp ảnh gia Réhahn mong muốn mọi người được tiếp cận tối đa với bản sắc văn hoá Việt Nam qua các câu chuyện đằng sau những bức ảnh chứ không đơn thuần là những gì nhìn thấy trong bức ảnh. Anh chia sẻ, đến giờ, anh đã “làm thân” với 48 dân tộc sinh sống trên khắp đất nước Việt Nam và thực hiện được cả kho ảnh khổng lồ lên tới cả trăm ngàn tác phẩm. Với anh, mỗi chuyến đi trước tiên là để khám phá và được hòa mình vào không gian văn hóa của các dân tộc, sau đó mới đến việc chụp ảnh: “Có câu chuyện ấn tượng là về người Rơ-măm mà tôi đã phải mất 3 năm nhờ các Đại sứ quán, bạn bè, các mối quan hệ, các công ty du lịch mà vẫn không thể nào tới được khu vực này. Bởi vì nơi này không cho người nước ngoài tiếp cận. Cho tới khi Đài Truyền hình VN làm phóng sự về tôi, bằng cách nào đó họ liên hệ được thì tôi mới có dịp gặp gỡ và chụp người dân tộc Rơ-măm. Hơn nữa trưởng làng đã dành tặng tôi 1 trong số 12 bộ đồ cuối cùng trong làng. Đó quả là cái điều rất đặc biệt, rất ấn tượng đối với tôi…”
Một số bức ảnh tại buổi trưng bày |
Khi được hỏi bí quyết để có được những bức ảnh chân dung độc đáo và có hồn, nhiếp ảnh gia Réhahn mỉm cười và nói đơn giản rằng “I love them”, có nghĩa: “Tôi yêu họ”: “Điều quan trọng nhất là xây dựng mối quan hệ với họ. Bởi vì tôi rất yêu con người Việt Nam nên tôi có quá nhiều cảm xúc dành cho họ, rồi sau đó dành thời gian để tiếp cận, trò chuyện với họ. Và khi mọi thứ đã cởi mở thì khoảnh khắc xuất thần xuất hiện và tôi chụp được khoảnh khắc đẹp đó”- Réhahn chia sẻ.
Bức ảnh cô bé dân tộc MNông |
Nhiếp ảnh gia Réhahn đã dành 6 năm để đi đến hầu hết các tỉnh thành của đất nước ta và đã gặp được 48 trên 54 nhóm dân tộc. Giờ đây những tác phẩm của Réhahn không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được tạp chí quốc tế sử dụng. Gần đây nhất là tác phẩm An Phước, cô bé với đôi mắt xanh đã được tờ Globe - Trotters của Pháp chọn làm trang bìa. Bức ảnh mà anh từng dành 3 ngày để trò chuyện, kết thân với gia đình An Phước, khám phá cô bé A Phước ấy mang hai dòng máu Pháp - Việt có đôi mắt xanh to tròn rồi mới nâng ống kính...Song, bức ảnh gây ấn tượng với khách tham quan hơn cả là bức ghi lại khoảnh khắc một cô bé người dân tộc ở Tây Nguyên giao tiếp với chú voi già. Bức ảnh giản dị nhưng cũng hết sức xúc động về tình bạn này được xuất bản trên 40 tờ báo quốc tế; chu du cùng nhiếp ảnh gia Rê-an tại nhiều triển lãm trên thế giới, và gây tiếng vang với truyền thông quốc tế. Nhiếp ảnh gia Réhahn chia sẻ: “Đây là bức ảnh tượng trưng cho sự tôn trọng mà con người nên dành cho loài voi. Tại vì dân tộc MơNông thì người ta xem voi giống như bạn bè vậy, giống như con người vậy. Thậm chí họ còn có một bộ luật để bảo vệ loài voi”.
Đến với triển lãm có khá đông khách tham quan trong nước và ngoài nước. Họ chăm chú xem ảnh và chăm chú lắng nghe những câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh. Bạn Hoài Thu sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội bày tỏ: “Em thấy triển lãm khá thú vị, thông qua những bức ảnh này thì còn thấy được cả những câu chuyện của tác giả. Em nghĩ em sẽ đến những nơi này để tìm hiểu về văn hóa dân tộc…”
Còn với Cẩm Nhung, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, bạn học được rất nhiều từ màu sắc và bố cục các chân dung trong các bức ảnh của nghệ sĩ Réhahn: “Các bức ảnh có góc nhìn khá là lạ, hầu như là ảnh chân dung khá độc đáo. Màu sắc của các ảnh khi đặt cạnh nhau trông khá là bắt mắt. Các trang phục từ lâu đời khi mà lên ảnh thì nó càng đẹp hơn…”
Mỗi bức ảnh mang một câu chuyện ý nghĩa mà không đơn giản chỉ là hình ảnh. Nhiếp ảnh gia Réhahn mơ ước có thể nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức văn hóa để tổ chức diễu hành, trình diễn hoạt động văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc tại Hội An hàng năm để giới thiệu văn hóa, thu hút khách du lịch, đặc biệt giúp người dân tộc có động lực bảo tồn văn hóa dân tộc mình, quảng bá và nâng cao giá trị nền văn hóa đa dạng của Việt Nam.