Cuộc sống mới trên đảo Hòn Chuối, Cà Mau

(VOV5) -  Đảo Hòn Chuối nằm cách đất liền khoảng 35 km, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đảo thuộc vùng Tây của biển Việt Nam. Hơn 20 năm trước, dân cư sinh sống trên đảo còn thưa thớt, nhưng nay sự sống đã căng tràn nơi đây. Cuộc sống của người dân trên đảo Hòn Chuối những năm gần đây ngày dần ổn định và phát triển nhờ vào nghề nuôi cá bè.



Cuộc sống mới trên đảo Hòn Chuối, Cà Mau - ảnh 1
Người dân phơi cá, món ăn đặc trưng của đảo.



Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Bốn năm trở lại đây, cuộc sống của người dân trên đảo Hòn Chuối khởi sắc nhờ con cá bớp. Là một trong những hộ nuôi cá bớp lồng đầu tiên ở đảo Hòn Chuối, ông Lê Văn Phương, chủ nhiệm hợp tác xã nuôi bè cá bớp Hòn Chuối, cho biết con cá bớp xuất hiện đem lại cho người dân một cuộc sống đủ đầy hơn. Ở Hòn Chuối người nuôi cá không sợ ô nhiễm môi trường nên người nuôi cá ít khi bị thất bại. Ông Phương cho biết: “Ban đầu cũng vất vả, khó khăn. Dần dần nghề dạy nghề, học hỏi dần, nghề dân gian học hỏi nhau cùng làm. Nuôi cũng giống nuôi cá basa trong bờ, không bị thất thu về môi trường ô nhiễm chỉ sợ thiên tai bão lụt. Nếu mình nuôi nhiều thì lời nhiều. Lúc đầu nuôi 200 con thì cũng lời 40 triệu. Một năm nuôi 1,5 vụ”. 

Từ mô hình đầu tiên của ông Phương, đến nay hầu hết người dân trên đảo Hòn Chuối đều có lồng nuôi cá bớp. Cá bớp là loại nuôi được quanh năm ở đảo Hòn Chuối, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít bị bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp mua từ các tàu thuyền khai thác neo đậu gần đảo.

Ông Trần Văn Giàu sống trên đảo cũng đã 21 năm.  Ông đang sửa lại chiếc xuồng cũ. Chiếc xuồng này ông mua trong bờ, là phương tiện giúp gia đình ông sinh sống nhiều năm nay. Thời gian đầu ra đảo, cả nhà ông lên núi trồng cây ăn quả. Trồng đủ các loại cây như mít, xoài, nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì không tiêu thụ được. Cuộc sống bấp bênh qua ngày đoạn tháng như vậy, gia đình chuyển xuống sống gần biển. Ông cùng 4 người con kiếm sống chủ yếu bằng việc đánh bắt gần bờ.


Cuộc sống mới trên đảo Hòn Chuối, Cà Mau - ảnh 2
Ông Giàu đang sửa ghe bị hỏng.



Rồi khi trên đảo có người nuôi cá bớp thành công, ông Giàu cũng mạnh dạn đầu tư toàn bộ số tiền tích cóp được từ mười  mấy năm qua và ông đã thành công. “Thu hoạch trừ vốn cũng lời được 70-80 chục triệu. Cũng liều lĩnh, vì mình mua dưới biển nếu có sóng gió thì trắng tay. Mười mấy năm mới dành dụm được bấy nhiêu đó. Vợ chồng cũng mừng lắm. Vợ chồng dành dụm lại nuôi tiếp lời thêm được mấy chục nữa. Vụ tiếp sau lại nuôi nhiều. Năm thứ 3 lời hơn 100, năm thứ 4 lời hơn 200 triệu. Tiền lời mình dành mua giống, nuôi nhiều hơn một chút. Giờ nuôi hai lồng được 500 con. Năm nay chắc tháng 6-7 mới thu. Năm nay nếu bán lãi được 300 triệu” – ông Giàu chia sẻ.

Không có ngay một số vốn như ông Giàu, anh Hồng Nhật Trường vay mượn người thân trong bờ để đầu tư nuôi cá bớp. So với những năm đầu ra đây sống thì giờ đây, cuộc sống cũng đã dễ chịu hơn rất nhiều, anh Trường cho biết: “Trong bờ sống khó khăn còn ra đây sống dễ hơn. Trong bờ đi cào, đi biển, đi làm công cho người ta. Ông bà già ra đây sống thì cũng theo ông bà luôn. Ông bà ra đây cũng được 20 năm rồi. Thời đó đi cào, đi biển, tháng kiếm 500-700 ngàn đồng. Ra đây cuộc sống khỏe hơn, sinh hoạt dễ hơn. Mình đi câu cũng được cá ăn còn trong bờ không có tiền thì không sống nổi. Nuôi bè năm nay được 5 năm rồi. Thu hoạch một vụ 8 tháng thì cũng kiếm vài chục triệu. Vụ nào cũng vay vốn.  Bây giờ vay ít hơn trước”.

Mô hình nuôi cá bớp đang phát triển tại đảo Hòn Chuối không chỉ giúp người dân trên đảo cải thiện cuộc sống mà còn góp phần khai thác tiềm năng kinh tế biển của tỉnh Cà Mau. Trong thời gian tới, người nuôi cá bớp ở Hòn Chuối sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư mở rộng mô hình. Đồng thời người nuôi còn được tìm thị trường đầu ra ổn định và hỗ trợ kỹ thuật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong định hướng phát triển vùng biển và ven biển, tỉnh Cà Mau xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ cơ bản, từng bước xây dựng vùng ven biển và vùng biển trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác