Cuộc trò chuyện xúc động với nhà báo Nga từng có mặt trong kháng chiến chống Mỹ của VN

 (VOV5) - Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam vào ngày 30/4/1975 lịch sử có sự góp sức không nhỏ của những chuyên gia Liên Xô, chuyên gia Nga và đặc biệt là một đội ngũ đông đảo các phóng viên, nhà báo của nhiều phương tiện thông tin đại chúng Liên Xô thời bấy giờ. Trong số rất nhiều nhà báo, phóng viên và cả các nhà văn, nhà thơ ấy có một phóng viên của tờ báo lớn Izơvestia (Tin tức), nhà báo, nhà văn Mi-kha-il I-lin-xki. Ông có mặt ở Việt Nam suốt hơn 13 năm, từ năm 1966 đến 1979 và đã đi đến mọi miền của đất nước Việt Nam. Ông nay đã nhiều tuổi và rất yếu đau nên không muốn tiếp khách tại nhà, nhưng vào đúng dịp rất đáng nhớ này trong cuộc đời ông, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam..., ông đã dành cho phóng viên Đài TNVN thường trú tại Liên bang Nga một cuộc trò chuyện qua điện thoại với những hồi ức rất cảm động.

Cuộc trò chuyện xúc động với nhà báo Nga từng có mặt trong kháng chiến chống Mỹ của VN - ảnh 1
Trang bìa cuốn sách Người Nga trầm lặng
 của nhà báo, nhà văn Ilinxki


Nhấn vào thanh âm thanh để nghe nội dung phóng sự:


Cuộc trò chuyện xúc động với nhà báo Nga từng có mặt trong kháng chiến chống Mỹ của VN - ảnh 2


Tôi đã bị từ chối mọi đề nghị như đến thăm ông, ghi hình và thu thanh cuộc phỏng vấn ông, hoặc chỉ là chụp vài kiểu ảnh lưu niệm... bởi ông đang rất mệt và yếu. Thế nhưng, khi được vợ ông, người bạn đời tri kỷ đang chăm sóc ông hàng ngày, cho phép tôi nói chuyện với ông qua điện thoại tôi đã thấy thế là may mắn lắm rồi. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi liền sử dụng thiết bị ghi âm qua điện thoại và cuộc trò chuyện kéo dài được hơn 20 phút. Cũng vì tuổi cao, sức yếu, giọng nói của ông đôi chỗ không được rõ, thậm chí có lúc quá xúc động ông dường như nghẹn lời... nhưng tôi đã có một xúc cảm thật tuyệt vời.

Với câu hỏi đầu tiên: ấn tượng sâu đậm nhất của ông về đất nước, con người Việt Nam sau hơn 13 năm công tác tại Việt Nam và cách đây đã ngót 40 chục năm...là gì, ông trả lời rất ngắn gọn: “Đó là sự nhân hậu đầy tình người, là lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng cùng tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Thời đó mọi người đều còn rất trẻ”.

“Và ông đã viết rất nhiều về điều đó?”

Tôi viết mỗi ngày.”

Rồi khi tôi hỏi ông về chuyến đi vào Sài gòn ngay sau khi miền Nam được giải phóng, trong đoàn các phóng viên và cán bộ ngoại giao nước ngoài đầu tiên, ông như hồ hởi hẳn và kể: “Tôi cùng 26 người được bay trên chiếc máy bay “IL-18” đầu tiên đến Sài Gòn vào tháng 5 năm 1975. Sáng hôm 30/4 tôi đã nghe tin chiến thắng qua Đài ở Hà Nội và tôi cũng nhận được thông tin có thể sẽ được đi Sài Gòn ngay trong chuyến bay đầu tiên... tôi rất mừng”.

Với những năm tháng cùng đội mưa bom với nhân dân Việt Nam, nhân dân Hà Nội qua những trận đánh ác liệt... ông vô cùng chia sẻ với chiến thắng oanh liệt năm 1975 ấy. Và những tin tức, những bài viết về sự kiện này đã liên tục được ông hoàn thành, gửi về đăng kịp thời trên báo Tin tức, tờ báo lớn ra hàng ngày của Liên Xô. Chuyến đi Sài gòn - TP Hồ Chí Minh đầu tiên sau khi thành phố được giải phóng ấy còn đọng mãi trong ông để sau này, trong một dịp kỷ niệm đáng nhớ ông đã có bài viết hồi tưởng nhan đề “Bình minh trên Sài Gòn”.

Tôi nói với ông, để có được chiến thắng đó, nhân dân Việt Nam chúng tôi rất biết ơn những người bạn quốc tế đã giúp đỡ chúng tôi, trong đó có hàng nghìn chuyên gia quân sự Liên Xô và đặc biệt là những nhà báo, nhà văn như ông. Nhờ có các ông thế giới đã biết đến cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ông trả lời không chút đắn đo: “Không, đó là nhiệm vụ của tôi.”

Ông đã viết không biết bao nhiêu bài báo, nhưng cho đến nay, đọng lại đáng kể nhất là những cuốn sách, những tập tuyển các bài báo của ông. Ông kể về những cuốn sách của ông đã xuất bản trong những năm tháng công tác ở Việt Nam như kể về những đứa con tinh thần: “Cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản khi tôi đang ở Việt Nam có tên “Đi dưới bầu trời sấm rền”, đó là vào năm 1968, khi mối quan hệ quốc tế đang hết sức căng thẳng. Cuốn sách tiếp theo là “Những quả bom napalm và những cây dừa (palma)” (trong tiếng Nga “napalm” như nói ngược với “palma”). Đó chính là cuốn sách “Chiến tranh và hòa bình” của tôi, là thể loại văn học thiếu nhi, dành cho thế hệ trẻ. Sau đó là cuốn sách về sự giải phóng ở những vùng miền nam Việt Nam, nhân những chuyến đi của tôi tới những vùng đất đó. Rồi cuốn sách Biên giới phía Nam Việt Nam, khi bắt đầu có Hiệp định Pari về Việt Nam. Cuối cùng là cuốn sách về sự thống nhất Việt Nam với tên gọi “Việt Nam thống nhất”. Sau này tôi vẫn tiếp tục viết những cuốn sách về Việt Nam và tôi đã xuất bản cả thảy 31 cuốn sách rồi.”

Hỏi thêm ông thì tôi được biết, những cuốn sách này mặc dù được biết khá rộng rãi ở Liên Xô thời đó nhưng chưa được dịch nhiều ra tiếng Việt. Ông kể, hồi đó thì chỉ có một tạp chí được xuất bản bằng tiếng Việt có tên là “Trên đất mới” mà nhà văn Nguyễn Tuân chủ trì đã in những bài viết của ông về miền Nam Việt Nam sau giải phóng. Có những cuốn sách của ông được viết sau này trở thành sách tham khảo trong nhà trường ở Nga như cuốn “Đông Dương: Tro tàn của bốn cuộc chiến (1939-1979)”, đặc biệt là cuốn “Người Nga trầm lặng”, cuốn tự truyện của ông được lấy tựa đề theo tên cuốn sách của người bạn thân, nhà văn Mỹ Graham Grin “Một người Mỹ trầm lặng” cũng viết về chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Việt Nam. Câu chuyện đến đây ông dừng lại và nói sẽ tặng tôi một cuốn “Người Nga trầm lặng”, được xuất bản vào năm 2005. Ông giải thích lý do đặt tên đó cho cuốn sách: thứ nhất là bởi ông cũng muốn thông qua cuốn sách kể về những gì ông đã chứng kiến mà lâu nay người ta chưa thể viết công khai và thứ hai là ông muốn có thêm một cuốn sách về chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Việt Nam cũng theo cách viết của nhà văn Mỹ, người bạn thân của ông. Cuốn sách của ông kể về giai đoạn từ 1964 đến 1970 khi ông bôn ba khắp các điểm nóng tại Việt Nam, Lào, Campuchia với tư cách là một phóng viên thường trú của tờ báo Tin tức. Ông đã tự gọi mình là “Người Nga trầm lặng” bởi tính chất công việc của ông là viết văn, viết báo nhưng thời điểm đó thì ông phải “trầm lặng”.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác dài ngày ở Việt Nam, tháng 12/1979 ông về nước và từ đó đến năm 1984 ông có trở lại thăm Việt Nam 3 lần. Nhưng sau đó thì không thăm lại lần nào nữa vì ông tiếp tục công tác xa ở Italia mà kéo dài tới 20 năm. Tuy không trở lại Việt Nam thêm nữa kể từ năm 1984 ấy, nhưng trong ông, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam vẫn in đậm. Kể với tôi về điều này, giọng ông không khỏi rưng rưng: “... Tôi rất yêu Hà Nội. Tôi đã tới chơi mà như về nhà các bạn văn, bạn nghệ thuật của mình như Nguyễn Tuân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Bổng (Trần Hiếu Minh), Nguyễn Đình Thi... Chúng tôi chơi với nhau rất thân. Bởi vậy tôi đã thuộc từng ngóc ngách căn nhà của họ. Một lần, vào dịp kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Tuân, tôi đã đùa hỏi “Ông bao nhiêu tuổi rồi?” Nguyễn Tuân đã nói “tuổi tôi đã lấp kín cả 7 góc rồi...” Tôi rất thích cái ý này. Khi ông nói về góc thứ 7 của ngôi nhà mình tức là ông ấy muốn nói đến “Ngôi nhà lớn”, Việt Nam. Và điều này tôi hiểu qua lời của các bạn, nó thật hay! Tôi liền nói một cách rất văn vẻ rằng “vậy thì tôi phải chạy nhanh đến gặp bạn bè mình thôi, bởi tôi biết rằng, những cuộc gặp gỡ như vậy càng ngày càng ít đi.”

Ông cũng cho biết, các nhà văn Việt Nam sau này khi có dịp sang Nga đều đến thăm ông và họ lại ngồi ngâm nga với nhau rất lâu. Thật là quý giá những dịp như vậy. Và đúng như lời ông nói, khi tôi đang được nói chuyện với ông đây thì những người bạn thân của ông ở Việt Nam mà ông luôn nhớ, vừa nhắc tên... nay đã ở trốn xa xăm lắm rồi. Ông thì cũng không còn khỏe mạnh như trước nữa và đã một năm rưỡi nay không đi đâu ra khỏi nhà. Rồi ông lại chậm rãi ôn với tôi những kỷ niệm một thời ở Việt Nam. Ông nói ông đã có những người bạn, những cộng sự Việt Nam rất tốt. Ông và mọi người quý nhau, coi nhau như anh em trong gia đình: đó là người giúp việc ông gọi là “Madam Thanh”, là anh phiên dịch rất giỏi và một lái xe tận tụy... Ông cũng kể rằng, vợ ông và con trai Vaxili cũng đã cùng sang VN với ông từ năm 1973, sau khi kết thúc cuộc tập kích trên không của Mỹ và Hiệp định Hòa bình Pari được ký kết. Gia đình ông đã sống ở Khách sạn Thống Nhất, phòng số 112. Ông rất nhớ và nói chính xác số phòng này bằng tiếng Việt, bởi ông kể, đây chính là căn phòng mà nhà văn Graham Grin đã ở và viết nên cuốn “Một người Mỹ trầm lặng”. Ông lại khẽ khàng nhắc nhớ mà như nói với chính bản thân mình: “Ôi, Việt Nam, tôi đã đến từng ngóc ngách. Tôi vẫn nhớ Việt Nam ghê gớm. Chợ Đồng Xuân, Cao Bằng, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau....

Tôi đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, phỏng vấn Người và cách đây 2 năm, trên báo có đăng bài viết của tôi nhan đề “lần cuối cùng phỏng vấn Hồ Chí Minh”. Tôi đã gặp Chủ tịch Tôn Đức Thắng 3 lần và Thủ tướng Phạm Văn Đồng nữa tôi cũng được gặp rồi”.

Cuối cùng, biết ông vẫn còn nhớ ít nhiều tiếng Việt, tôi đề nghị ông hãy nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam phát biểu đôi lời với nhân dân chúng tôi... Ông nghẹn ngào nói bằng tiếng Việt: “Tôi xin chúc mừng nhân dân Việt Nam... Tôi đã hơn 10 năm ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.. (xúc động... khóc...) Tôi không quên gì cả. Nhớ mãi... nhớ nhiều... nhà nước Việt Nam, các bạn Việt Nam, các nhà văn Việt Nam... Tôi vẫn nhớ ... Nguyễn Văn Bổng - Trần Hiếu Minh, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi... mất rồi nhưng tôi vẫn luôn luôn nhớ trong tim... Rất khó nói vì tôi ốm yếu. Nhưng mà tôi rất vui lòng nếu tôi đã có thể giúp đỡ Hồ Chí Minh, giúp đỡ Nhà nước Việt Nam. Đây là tục lệ Nga, muốn nói rất nhiều cảm ơn các bạn đã giúp cho tôi... (khóc nấc)... cám ơn nhiều.”



Cuộc trò chuyện xúc động với nhà báo Nga từng có mặt trong kháng chiến chống Mỹ của VN - ảnh 3
Chụp ảnh kỷ niệm với vợ nhà báo Ilinxki
nhân dịp bà trao tặng cuốn tự truyện
Người Nga trầm lặng của chồng.

Tôi đã lặng đi khi nghe những lời chan chứa tình cảm mà ông dành cho nhân dân Việt Nam, dành cho những hồi ức hẳn là đang rất sống động trong ông. Biết được giá trị của những cuộc gặp mặt này, tôi định nhân lời hứa tặng sách của ông mà bày tỏ mong muốn được đến nhà nhận và tặng ông chút quà Việt Nam để ông góp thêm vào kho kỷ vật đáng nhớ của mình... nhưng cả ông và bà đều từ chối vì không tiện tiếp chúng tôi trong bối cảnh ông đang phải nằm nhà và trị bệnh “pakingson”. Tôi đành phải chấp nhận “phương án” đi đến gần nhà ông bà để rồi bà mang cuốn sách ra tặng tôi, còn tôi chuyển cho ông bà những món quà mà tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi không quên gửi tới ông những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc ông sớm bình phục sức khỏe để lại có thể kể tiếp về Việt Nam trong những cuốn sách mà ông hẳn còn đang ấp ủ./.

Điệp Anh, phóng viên Đài TNVN tại Liên bang Nga

Phản hồi

Các tin/bài khác