(VOV5) - Dân ca Ví, Giặm có nhiều giá trị nghệ thuật mang tầm cỡ nhân loại và do đó đã thuyết phục được những thành viên khó tính nhất trong Ban thẩm định hồ sơ của Công ước 2003 cùng khuyến nghị tích cực đối với hồ sơ của Việt Nam.
|
Các hội diễn, liên hoan Ví, Giặm được tổ chức thường xuyên tại Nghệ An, Hà Tĩnh (Ảnh: vov.vn) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Không biết từ thuở nào miền quê Nghệ An, Hà Tĩnh đã cất lên những điệu dân ca Ví, Giặm mang nặng ân tình quê hương đất nước. Những điệu dân ca hát Ví, Giặm khắc ghi đời sống sinh hoạt hằng ngày, kết nối biết bao tâm hồn những đôi trai gái và lưu truyền, phát triển cho đến ngày nay. Dân ca Ví, Giặm của Việt Nam vừa chính thức được ghi vào Danh sách di sản đại diên của nhân loại. Với sự kiện này dân ca Ví, Giặm chính thức trở thành di sản thứ 9 của Việt Nam được thế giới vinh danh, trong đó có 7 di sản trong danh sách đại diện của nhân loại.
Hát Ví, hát Giặm xưa kia đã ăn sâu vào mỗi nếp nghĩ, sinh hoạt của cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh và làm nên những nét riêng biệt của người xứ Nghệ. Không gian khởi xướng cho tất cả các loại hình dân ca ở Việt Nam đều xuất phát từ lao động, sản xuất và Ví, Giặm ở xứ Nghệ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mới đầu, dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ còn mộc mạc, giản dị với lời ca của những cô gái kéo sợi, đi cấy, dệt vải…nhưng sau đó theo thời gian Ví, Giặm phát triển với lề lối, bố cục chặt chẽ hơn và hình thành nên những vần điệu dân ca trữ tình, hấp dẫn làm say đắm lòng người. Giáo sư Trần Quang Hải, chuyên gia về âm nhạc truyền thống Việt Nam, Việt kiều sinh sống lâu năm tại Pháp, cho rằng giá trị tuyệt vời của dân ca Ví, Giặm cần được mọi người biết đến nhiều hơn: "Dân ca ở vùng Nghệ Tĩnh, nơi ít người Việt Nam để ý đến, chúng ta chỉ biết hát phường vải, phường nón, ít ai biết đặc trưng của Dân ca Ví, Giặm là thế nào. Hát Ví, Giặm là hát ví, hát với tức là hát người này với người kia, hát đối đáp, loại hát đi liền với những sinh hoạt hàng ngày như dệt vải, làm nón, gặt lúa... Những lời hát bộc lộ thể loại thiên phú của Việt Nam như lục bát, song thất lục bát, ngụ ngôn. Hát Giặm đứng một chỗ giặm, có nhiều tiết tấu thể hiện sự phong phú trong âm nhạc dân gian Việt Nam và thoát ra một cấu trúc về nhạc cụ phong phú, dựa trên những thang âm ngũ cung, tứ cung và tam cung -những thang âm rất đặc biệt của Việt Nam".
Ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tuỳ thuộc vào lời thơ bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Khác với Ví, Giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân trần bày giải. Cũng có loại Giặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng.Và có cả Giặm trữ tình giao duyên. Ví, Giặm là hai kiểu hát khác nhau nhưng đều có không gian diễn xướng gắn liền với lao động sản xuất, trong các làng nghề truyền thống, hoặc những lúc nông nhàn, lúc chèo thuyền, thả lưới ven sông, lên rừng lấy củi, hay mỗi dịp lễ hội… Giáo sư Trần Quang Hải cho biết: "Lời hát bộc lộ được những thể thiên phú của Việt nam là lục bát, song thất lục bát, hay ngụ ngôn. Hát Ví, hát vói, hát với, vừa hát vừa Giặm, có nhiều tiết tấu, thoát ra một cấu trúc thể hiện sự phong phú dựa trên những thang âm ngũ cung, tức cung rất đặc biệt của âm nhạc truyền thống của Việt Nam".
Dân ca Ví, Giặm có nhiều giá trị nghệ thuật mang tầm cỡ nhân loại và do đó đã thuyết phục được những thành viên khó tính nhất trong Ban thẩm định hồ sơ của Công ước 2003 cùng khuyến nghị tích cực đối với hồ sơ của Việt Nam. Đại diện Ban thẩm định hồ sơ nhấn mạnh: di sản đáp ứng các yêu cầu UNESCO đặt ra; di sản có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ, có những giá trị phổ biến trong cộng đồng Việt, được thực hiện trong nhiều hoạt động của đời sống như trồng lúa, dệt vải, hát ru con... Ngay sau nhận xét của Ban thẩm định hồ sơ, ông Marc Jacobs, đại diện đoàn Bỉ, một trong số 24 quốc gia thành viên Ủy ban liên chính phủ của Công ước 2003 đã chủ động phát biểu ý kiến về hồ sơ Dân ca Ví, Giặm của Việt Nam: "Tôi muốn ca ngợi Việt Nam về di sản rất tốt, với các tài liệu rất thú vị với những giá trị đặc biệt. Đây thực sự là một bộ hồ sơ quan trọng và thú vị để nghiên cứu. Xin cảm ơn Việt Nam".
Theo nhiều chuyên gia về di sản, dân ca Ví, Giặm có sức sống mãnh liệt và là niềm tự hào của từng người dân xứ Nghệ, ca từ của dân ca Ví, Giặm cũng rất đời thường và dung dị, do đó, công tác bảo tồn sẽ không gặp nhiều thách thức như các loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế và cầu kỳ trong biểu diễn. Theo chuyên gia di sản Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, thì công tác bảo tồn tốt nhất phải xuất phát từ nghệ nhân: "Giải pháp quan trọng nhất vẫn phải là nghệ nhân. Bởi vì người bảo tồn một di sản phi vật thể là nghệ nhân. Người thưởng thức nó cũng là nghệ nhân, người sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật cũng là nghệ nhân. Các hội thi cần thiết phải lọc ra đâu là người nghệ nhân thực sự đâu là người thực hành, chứ không nên làm phong trào. Điều quan trọng nhất là phải để họ truyền dạy lại mọi điều họ biết, mà không phải truyền dạy miệng như ngày xưa nữa, mà phải thu âm, ghi hình để người học học trong điều kiện kỹ thuật mới. Nhưng quan trọng nhất là công nhận để người ta hành nghề, để truyền hết những cái quý giá mà người ta biết".
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Chí Bền, Việt Nam nên áp dụng bài học kinh nghiệm quý báu của nhiều quốc gia, điển hình như Nhật Bản, trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, đó là cấp phép và tạo điều kiện hành nghề, sinh sống bằng nghề cho các nghệ nhân. Có như thế mới bảo tồn được nguyên vẹn và lâu bền các giá trị của di sản từ đời này sang đời khác./.