Dàn hợp ca Hi Vọng – Kết nối âm nhạc của những người khiếm thị

(VOV5) - Trên con đường có khi là bằng phẳng, có khi là bùn lầy, nhưng dù thế nào thì trong chúng ta cũng đừng mất đi niềm hi vọng...

Dàn hợp ca Hi vọng là một trong số 12 dự án đầu tiên tham gia vào "Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng" -  NICE vừa ra mắt mới đây. Họ gồm những nghệ sỹ chưa một lần nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng đầy tài năng. Mặc dù đã được nhiều người biết đến, được mời biểu diễn ở rất nhiều sự kiện lớn nhỏ trong và ngoài nước. Song mong muốn của họ là tạo thành một nhóm biểu diễn chuyên nghiệp trên các sân khấu lớn thay vì chỉ chờ đợi được mời từ thiện thời vụ.

Dàn hợp ca Hi Vọng – Kết nối âm nhạc của những người khiếm thị - ảnh 1Tiết mục biểu diễn của hợp ca Hy vọng trong chương trình tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 
Mắt không thấy nhưng tay vẫn thoăn thoắt trên từng phím đàn. Họ phải dùng tay để sờ bản nhạc nhưng tiếng hát vẫn ngân vang. Anh Nguyễn Văn Hùng, một thành viên của dàn hợp ca Hi vọng cho biết: “Chúng tôi hầu hết là những người nghèo. Những người khuyết tật không ai nói mình giàu được. Thậm chí có những người phải đi chạy thận 1 tuàn 2 lần. Có người phải bươn chải. Chúng tôi đến đây không đơn thuần là vì nghệ thuật, mà còn để động viên nhau, có năng lượng để tiếp tục mưu sinh”.

Nghệ sỹ Piano Tôn Thất Triêm là người thầy đã dẫn dắt những ca sỹ khiếm thị trong suốt 16 năm qua. Với ông, âm nhạc của những người khiếm thị này là niềm khát vọng được cho đi. Thầy Triêm đã dạy học trò biểu diễn thành thạo nhiều ngôn ngữ âm nhạc khác nhau.

Chia sẻ về cơ duyên với Dàn hợp ca Hi vọng, nghệ sỹ Piano Tôn Thất Triêm cho biết: "Một người bạn cũ của tôi mời tôi đến để gặp gỡ với các em lúc đó còn rất nhỏ ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Tôi cùng một số người bạn đồng nghiệp người Hàn Quốc và Mỹ đã cùng làm việc và tự nhiên có sự gắn bó rất nhanh, cùng các em luyện tập và tôi thấy các em rất ham học chịu khó. Trải qua một quá trình, mọi người có thể nhìn thấy các bạn đẹp đẽ lịch sự trên sân khấu nhưng mọi người có biết, nói thật nghệ thuật rất khó nói. Người ta không cần biết bạn khó khăn như thế nào, chỉ cần biết trên sân khẩu được hay không được, tốt hay không tốt".

Không có nghệ sĩ khiếm thị nào sống được bằng nghề bởi việc biểu diễn chưa đem lại thu nhập. Họ là những người khiếm thị, cơ hội được nhận vào các đoàn ca nhạc hay ban nhạc chuyên nghiệp gần như không có. Âm nhạc có thể mang lại niềm vui, có nhiều cơ hội giao lưu, mở mang quan hệ xã hội, nhưng lại khó mang lại cuộc sống ổn định về vật chất, kinh tế. Để có tiền trang trải cuộc sống, họ vẫn phải làm nhiều công việc khác như massage, nhân viên chăm sóc khách hàng…

Mặc dù Dàn hợp ca Hy Vọng đã hoạt động rất lâu nhưng cũng không có bất kỳ quỹ hay kinh phí hoạt động nào. “Tôi luôn mong có một sân khấu, một nơi nào đó để biểu diễn thêm thu nhập trang trải được cuộc sống, vừa để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc” – Đó là mong muốn của nghệ sỹ khiếm thị đàn bầu Trần Quốc Hoàn  và cũng là mong muốn của tất cả các thành viên trong nhóm.

"Hợp ca Hi vọng – Hi vọng vào một con đường mà trên con đường đó có khi là bằng phẳng nhưng có khi là bùn lầy nhưng dù thế nào thì trong chúng ta cũng đừng mất đi niềm hi vọng" - nghệ sĩ Trần Quốc Hoàn tâm sự.

Và "Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng" - NICE sẽ mở ra niềm hi vọng mới: hi vọng đồng cảm, hi vọng kết nối cho những dự án giống như Dàn hợp ca Hi vọng, để họ, những người yếu thế có thể tìm được con đường đi đích thực cho mình chứ không trông chờ vào “sự thương cảm” của xã hội.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác