(VOV5) - Hơn 100 năm qua, văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ mang lại những thông tin đa dạng trong triển lãm "Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ"
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lần đầu tiên, khối tài liệu lưu trữ đồ sộ về thời kỳ thuộc địa – Đông dương được đem đến với công chúng. Theo ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng bảo quản Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, hiện nay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đang nắm giữ 5089 mét tài liệu. Đa phần tài liệu bằng giấy, chỉ một số ít là tài liệu ảnh và phim ảnh. 80% là tài liệu được viết bằng tiếng Pháp.
Các tài liệu trưng bày tại triển lãm "Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ" |
Tài liệu được chia thành hai mảng là hành chính và kỹ thuật. Trong khoảng 100 năm qua, những người làm lưu trữ đã trải qua nhiều khó khăn để đảm bảo nguyên vẹn khối lượng tài liệu đồ sộ này. Ông Phương kể lại:“Tại nơi sơ tán, điều kiện bảo quản không được như thời bình. Tài liệu phải đưa vào trong hang núi ẩm thấp. Với những điều kiện khó khăn như vậy người làm lưu trữ buộc phải có những sáng tạo và sử dụng những vật dụng phù hợp sẵn có phục vụ cho công tác bảo quản. Ví dụ khi tài liệu ẩm phải phơi ở bìa rừng. Có những người sáng kiến sử dụng những cục vôi hoặc bóng đèn để làm khô tài liệu. Đó là những phương pháp thô sơ nhưng rất hiệu quả trong công tác bảo quản".
|
Với 3 phần trưng bày trên 150 tài liệu, hình ảnh và hiện vật đã được chọn lọc, triển lãm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh tiêu biểu mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp đã tồn tại hơn một thế kỷ qua.. Phần 1 mang tên “Từ một đô thị Á Đông đến một thủ đô mang dáng vẻ châu Âu”, phần 2 là “Sự tiếp nhận nền giáo dục phương Tây” và phần 3 “Sứ mệnh gìn giữ ký ức của lưu trữ”.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục văn thu lưu trữ Nhà nước Bộ Nội vụ cho rằng: “Qua những triển lãm như vậy công chúng cũng thấy được và đánh giá được giá trị của tài liệu lưu trữ, đó thực sự là những minh chứng đã đi cùng lịch sử của dân tộc qua những thăng trầm. Những giá trị hiện tại thể hiện qua giá trị lịch sử văn hóa, thẩm mỹ thể hiện qua tài liệu lưu trữ này rất cần chúng ta phải xem xét, nghiên cứu, đánh giá và tiếp thu một cách có chọn lọc, để góp phần xây dựng nền văn hóa của người Việt. Sự giao thoa văn hóa cuối cùng để có một mục đích là nền văn hóa của chính người Việt đậm đà bản sắc dân tộc”.
|
Sử dụng tài liệu lưu trữ là một nhu cầu quan trọng mà nhiều nước trên thế giới vẫn đang tiến hành thường xuyên. Hiện nay những công trình cũ như đường sắt, đường xá, cầu cống, tòa nhà lớn… đều hình thành từ thời Pháp thuộc. Chính vì lẽ đó, khi có những yêu cầu về phục dựng, trùng tu những công trình này, việc sử dụng tài liệu lưu trữ là việc quan trọng mang tính bắt buộc, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí. Không chỉ với những công trình vật thể, khối lượng tài liệu lưu trữ này còn là một kho tàng quý giá để người xem có thể nhìn nhận, đánh giá về vể quá trình ảnh hưởng của văn hóa Pháp vào Việt Nam trên các lĩnh như giáo dục, ngôn ngữ, ẩm thực...
Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Về nghiên cứu quá khứ là nghiên cứu dựa trên nguồn tư liệu. Bên cạnh nguồn tư liệu ký ức thì nguồn tư liệu về văn bản, thư tịch, hình ảnh là rất quan trọng. Nhất là gần đây chúng ta thấy sự phát triển về phương tiện nghe-nhìn. Nếu chúng ta khai thác những kho tư liệu, bản đồ sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều nhận thức mới mẻ. Đó là chưa kể chúng ta nhìn thấy những tập quán của tổ tiên, ông cha chúng ta rất gần gũi mà không phải mọi quá khứ đều lạc hậu cả, đôi khi có những điều chúng ta phải phục hồi lại chúng ta phải coi đó là những gì chúng ta gìn giữ và bảo vệ nó. Chính công tác lưu trữ góp phần rất quan trọng trong việc này”
Trong triển lãm lần này, cùng với các tài liệu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 đã từng xuất hiện ở một số triển lãm khác, có thêm khối tài liệu đang được lưu trữ tại Pháp. Sự hợp tác của hai cơ quan lưu trữ quốc gia đem lại một khối tài liệu di sản thống nhất. Những người tham quan và nghiên cứu sẽ có một góc nhìn đầy đủ và toàn diện về một thời kỳ lịch sử của dân tộc.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục văn thu lưu trữ Nhà nước Bộ Nội vụ nói: “Lưu trữ Việt Nam và lưu trữ Pháp đang có một dự án là sẽ xem xét và nghiên cứu để đệ trình lên UNESCO một hồ sơ để đề nghị công nhận khối tài liệu thời kỳ thuộc địa Pháp và Đông dương là di sản tư liệu thế giới. Bằng cách như vậy để chứng minh khối tài liệu là thống nhất. Thứ hai cung cấp bức tranh toàn cảnh thời kỳ thuộc địa. Được công nhận là di sản thế giới, khối tài liệu này sẽ được bảo quản và phát huy theo đúng giá trị của nó”
Cảnh lễ khai mạc |
Không chỉ góp phần khắc họa những ký ức về thời kỳ lịch sử đặc biệt, thể hiện tầm quan trọng trong sứ mệnh giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, triển lãm còn giúp cường sự hiểu biết chung của hai quốc gia Pháp – Việt và thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt.