Đầu xuân thưởng thức đấu Cờ Người trên đất võ Bình Định

(VOV5) - Cờ Người thực chất là môn cờ tướng có người đóng thế thành các quân cờ. Khác với cách đánh cờ với những quân cờ làm bằng ngà hay bằng gỗ vô tri vô thức, thú chơi Cờ Người hấp dẫn và sống động hơn vì nó là sự đấu trí, tài thao lược trong trận đánh thật, quân lính thật. Tại tỉnh Bình Định, môn thể thao Cờ Người đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong mỗi dịp đầu Xuân.


Đầu xuân thưởng thức đấu Cờ Người trên đất võ Bình Định - ảnh 1
Những màn đối luyện khi ăn quân luôn khiến người xem thích thú. Ảnh: baobinhdinh


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Thị xã An Nhơn không chỉ nổi tiếng là nơi có nhiều lò võ cổ truyền, mà còn lừng danh là nơi sản sinh ra nhiều kỳ thủ xuất sắc cho thể thao tỉnh Bình Định. Hội Cờ Người thường được người dân An Nhơn tổ chức vào ngày mùng 5 và mùng 6 tháng giêng âm lịch.

Trên khoảng sân rộng, được thiết kế thành bàn cờ, trận đấu đang vào hồi quyết liệt với tiếng trống cổ vũ rền vang. Chàng trai trong trang phục quân lính xanh đang khéo léo né đường quyền của cô gái mặc áo quân lính đỏ. Xung quanh, người dân trầm trồ thán phục những pha đánh võ điêu luyện.

Trong mỗi trận Cờ Người luôn có một người bình cờ đứng giữa lược trận. Sau mỗi nước đi của các quân cờ, người này lại ngâm một câu thơ hoặc hát một khúc. Nhưng ở những trận so tài quan trọng, người biểu diễn lại chính là người cầm quân Tướng chỉ huy hai bên. Anh Quang, một người yêu thích và am tường Cờ Người, giải thích: “Cách biểu cảm của quân Tướng phải đa dạng. Nếu tiến quân trảm lính địch thì tuốt gươm trần sáng lóa, trống giục cờ bay. Còn nếu bị đẩy vào thế chiếu, Tướng sẽ phải chao đảo một hồi rồi tùy theo cục diện đối phương chịu thua hay phản công mà hát khúc đảo ngược thế cờ hoặc ca khúc bại trận".

Người vào vai Tướng trong mỗi trận Cờ Người lại có các khúc hát khúc ngâm khác nhau. Người ngâm hay là người có thể tùy cơ ứng biến mà dùng những khúc ngâm trong các bài thơ, điển tích ca ngợi truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Dịp đầu xuân nào, Võ sư Minh Hoàng, chủ võ đường Minh Gia Quyền Phái ở Hà Nội, cũng về An Nhơn xem đấu Cờ Người. Anh Hoàng đến với Cờ Người không chỉ vì yêu thích cờ tướng, mà còn vì những tinh hoa võ học đằng sau mỗi thế cờ. 32 “quân cờ” tham gia thi đấu không chỉ am hiểu võ cổ truyền mà còn phải thành thục từng thế võ để giao đấu. Võ sư Minh Hoàng cho biết bàn cờ tướng có 7 loại quân: Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt, mỗi quân lại có những bước di chuyển riêng, gọi là bộ pháp: “Võ thuật trong Cờ Người đã được nghiên cứu và phát triển thành bài, thành thế. Bảy loại quân trên bàn cờ thì trừ Tướng, Sĩ, Tượng không qua sông ra thì bốn loại quân còn lại đều tùy theo đối thủ mà có những miếng đòn riêng. Cứ như vậy, những bộ pháp di chuyển được đúc kết thành chín chín tám mươi mốt bài, rất đặc sắc và phong phú".

Thi đấu Cờ Người là sự kết hợp giữa yếu tố dân gian, trí tuệ và võ thuật. Môn thể thảo này không chỉ hấp dẫn người lớn mà còn lôi cuốn cả trẻ nhỏ bởi những màn tỉ thí đẹp mắt. Minh Anh, cậu con trai mới 8 tuổi của võ sư Minh Hoàng, hò reo nhiệt tình mỗi khi hai quân diễn võ. Minh Anh háo hức: “Cháu được nghe bài hát về Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, còn cả bài Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư nữa. Cháu muốn ba dạy cháu võ cờ, đánh cờ. Cháu muốn sau này được tham gia đánh trận Cờ Người".


Thông thường, ván đấu Cờ Người có sự tham dự của các kỳ thủ lão luyện thường kéo dài 2 giờ, nếu sau 2 giờ vẫn chưa kết thúc, ban tổ chức cho bốc thăm để phân chia thắng bại. Cùng với tiếng trống rộn ràng, hội Cờ Người An Nhơn khép lại bằng màn đồng diễn võ thuật của binh tướng đội xanh, đội đỏ.

Những trận cờ trong dịp đầu xuân đã tôn thêm những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất An Nhơn, để người dân nơi đây thêm yêu thích những môn thể thao có truyền thống của địa phương. Đây cũng là cách hay để gìn giữ, phát triển phong trào cờ tướng và võ thuật ở Bình Định./.

Phản hồi

Các tin/bài khác