(VOV5) - Liên Hợp Quốc chọn ngày 2/4 là Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ, với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này. Ở Việt Nam, người mắc chứng tự kỷ hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, những người mắc chứng tự kỷ đang được cả cộng đồng xã hội quan tâm, giúp cho họ có cuộc sống bình đẳng, được đáp ứng các nhu cầu phát triển các năng lực, có cơ hội hòa nhập cộng đồng, đóng góp cho xã hội.
|
Ảnh minh họa (nguồn: dphanoi.org.vn) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cũng như nhiều người phụ nữ khác, chị Lê Thị Lan Anh ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh dành hết tình yêu thương cho đứa con gái đầu lòng của mình. Nhưng thật không may, cháu lại mắc chứng tự kỷ. Khi con gái được 23 tháng tuổi, biết được tình trạng bệnh tật, chị Lan Anh không khỏi bàng hoàng vì từ trước đó chị chỉ nghĩ rằng trẻ bị tự kỷ là do bố mẹ không quan tâm chăm sóc con. Tìm hiểu, chị mới biết, chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng và đến nay phần nhiều không rõ nguyên nhân. Biểu hiện chung của người mắc bệnh tự kỷ là tương tác xã hội kém, giao tiếp kém và có những hành vi bất thường, đặc biệt có rối loạn cảm giác. Chị Lê Thị Lan Anh cho biết 15 năm qua chị đã trải qua biết bao khó khăn để tìm cách can thiệp giúp cho con. "Khó khăn nhiều lắm. Thời gian đầu tiên là vượt qua chính nỗi đau của mình, sau đó đến sự thiếu thiện cảm của mọi người xung quanh. Nhiều người cứ cho rằng trẻ tự kỷ là do không được bố mẹ quan tâm, đặc biệt trong gia đình cũng có những suy nghĩ không đúng nên để bản thân mình và và gia đình chấp nhận cháu bị tử kỷ là cả một cuộc đấu tranh về tâm lý" - chị chia sẻ.
Việc phát hiện sớm bệnh ở trẻ sẽ giúp trẻ sớm hòa nhập cuộc sống tốt hơn, nếu để lâu sẽ để lại những di chứng rất khó chữa. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa căn bệnh tự kỷ và việc điều trị cho người mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Cuộc chiến với căn bệnh tự kỷ thường kéo dài và rất gian nan, bởi vậy, việc phát hiện càng sớm, can thiệp kịp thời sẽ có kết quả cao hơn, trẻ càng có nhiều cơ hội hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống. Tuy nhiên cuộc chiến với căn bệnh này ở Việt Nam vẫn cần cả thời gian và tài chính. Cô giáo Vũ Thị Thanh Đào, Giám đốc Trung tâm giáo dục chuyên biệt Minh An tại thành phố Vinh, Nghệ An, cho biết: "Ở tỉnh Nghệ An có gần 3000 người tự kỷ trong đó có những trẻ hoàn cảnh rất khó khăn. Các em không thể theo suốt được quá trình can thiệp, mà tự kỷ là loại khuyết tật phát triển suốt cả cuộc đời".
Việc nâng cao nhận thức, hiểu biết, đặc biệt sự chia sẻ giữa các gia đình có trẻ tự kỷ là một việc làm hết sức thiết thực để có biện pháp thích hợp hạn chế những ảnh hưởng của chứng tự kỷ đối với trẻ. Với mục tiêu tập hợp, kết nối các gia đình trẻ tự kỷ giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ để làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, từ tháng 4-2015 Trung tâm Công tác xã hội ở thành phố Hạ Long thành lập CLB Gia đình trẻ tự kỷ. Dù mới đi vào hoạt động gần 1 năm, nhưng đến nay CLB đã thực sự trở thành mái nhà chung, gắn kết, chia sẻ giữa các gia đình có trẻ tự kỷ, giúp họ can thiệp đúng cách, hỗ trợ học tập, giúp trẻ tự kỷ từng bước cải thiện tình trạng, phát triển ổn định, hoà nhập cộng đồng. Cũng xuất phát từ việc con của mình mắc bệnh tự kỷ, bà Phạm Thị Kim Tâm đã thành lập Trường chuyên biệt Tuổi Ngọc ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Bà Tâm chỉ mong con mình cũng như nhiều trẻ tự kỷ khác có những cơ sở y tế đủ năng lực đánh giá và có những tài liệu hướng dẫn phát hiện bệnh sớm để phổ cập đến mọi người. Theo bà Tâm: "Việc bỏ sót trẻ tự kỷ ảnh hưởng đến cơ hội can thiệp cho trẻ cả về y tế và giáo dục. Nhà nước cần có thống kê số trẻ tự kỷ để từ đó có chính sách phù hợp".
Tham gia CLB Gia đình trẻ tự kỷ hay trường chuyên biệt Tuổi Ngọc, các bậc làm cha, làm mẹ có con mắc bệnh tự kỷ được cung cấp những kiến thức, phương pháp rất hữu ích để điều trị cho con. Với sự kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc và giáo dục, can thiệp trẻ tự kỷ, các mô hình chữa trị dành cho trẻ tự kỷ đang trở thành chỗ dựa tin cậy của các gia đình có con tự kỷ và góp phần tạo thêm cơ hội để các em được chăm sóc, điều trị tốt hơn và hoà nhập cộng đồng.