(VOV5) - Trong số những hoạt động văn hóa của các nước đang diễn ra tại Hà Nội, đáng chú ý có sự kiện lần đầu tiên diễn ra Festival Kafka 2018 nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của triết gia, nhà văn thiên tài Franz Kafka, diễn ra từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4 tại Hà Nội.
Chuỗi sự kiện của Festival được phối hợp đồng tổ chức giữa 5 đại sứ quán của các nước Áo, Cộng hòa Séc, Đức, Pháp, Thụy Sĩ tại Việt Nam gồm nhiều hoạt động đa dạng cả về văn học, điện ảnh và biểu diễn, nhằm đem đến cho độc giả Việt Nam thông tin thú vị và đẩy đủ về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm nhà văn, triết gia và nghệ sĩ nổi tiếng Franz Kafka người sinh ra trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức ở Séc; và hơn hết là ảnh hưởng lớn lao của ông đối với hậu thế.
Điểm nhấn của Festival chính là buổi biểu diễn “kể chuyện và khiêu vũ“ của hai nghệ sĩ Áo Ziga JEREB và Charlotte SPITZER.
Với giọng kể truyền cảm nghệ sĩ Áo Charlotte Spitzer buổi biểu diễn Kafka khiêu vũ được bắt đầu nhẹ nhàng tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội. Hơn 10 câu truyện ngắn của nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn của thế kỷ 20 Franz Kafka được hai nghệ sĩ người Áo tuyển chọn để thể hiện trước khán giả Việt Nam. Với cách thể hiện mới lạ, người kể truyện đồng thời hóa thân vào chuyển động của nghệ sĩ múa minh họa, những câu truyện mang nhiều hơi hướng triết lý của Franz Kafka như thú vị hơn và đi vào nội tâm của người xem dễ dàng hơn.
Phó chủ tịch Hiệp hội Franz Kafka của Áo, nghệ sĩ Charlotte Spitzer chia sẻ về ý tưởng cho tiết mục Kafka khiêu vũ: "Tôi đã tham dự nhiều buổi gặp gỡ trò chuyện về Franz Kafka. Ngoài việc đọc truyện, tại đây có người chơi kèn Sacxophone. Thực tế tôi thấy cách thể hiện này không hấp dẫn. Đối với tôi Kafka thực sự rất quan trọng và tôi cảm thấy mình không thể chỉ đơn giản đến và nghe truyện của ông như thế này. Tôi đã thử đứng hết cả buổi hội thảo để nghe đọc truyện và ý tưởng về “Kafka khiêu vũ” đã ra đời từ đó.”
Charlotte Spitzer và Žiga Jereb đã cùng nhau biểu diễn tiết mục “Kafka khiêu vũ” từ năm 2014. Nghệ sĩ múa Jereb chia sẻ, cho đến nay tiết mục đã có rất nhiều thay đổi: “Trong lúc luyện tập cùng nhau chúng tôi đều để mọi thứ diễn ra rất tự nhiên. Charlotte kể chuyện còn tôi múa, và từ đó rất nhiều ý tưởng ra đời. Thực ra lúc đầu tiên chúng tôi là một đội ba người, ngoài hai bọn tôi còn có vũ công Danielle Krüninger. Nhưng tiếc là cô ấy vừa mới mất cách đây hơn một tháng. Cô ấy đã luôn biểu diễn cùng chúng tôi kể từ ngày đầu tiên. Có thể nói là trong tiết mục của chúng tôi luôn có Charlotte, Franz Kafka, Danielle và tôi. Cô ấy không còn nữa nhưng đối với chúng tôi trong mỗi lần biểu diễn thì cô ấy và Kafka vẫn luôn ở bên cạnh. Trước đây thì chúng tôi có sử dụng nhạc đệm trong biểu diễn, nhưng sau vài lần tập dượt chúng tôi nhận thấy rằng, lời kể chuyện và vũ đạo là đủ và không sử dụng nhạc nữa.”
Để có thể kể lại một cách truyền cảm những câu chuyện của Kafka trong các buổi biểu diễn Charlotte Spitzer đã học thuộc lòng 20 tác phẩm của nhà văn. Trong lần biểu diễn tại Trường Đại học Huế tại miền Trung Việt Nam và Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ tại Hà Nội, các tác phẩm được kể đều được dịch sang tiếng Việt và chiếu trên màn hình lớn trên sân khấu.
Theo nghệ sĩ Spitzer sự khác biệt về ngôn ngữ không làm giảm nhiệt tình của khán giả VIệt Nam: “Trong khi kể chuyện tôi có thói quen vẫn nhìn vào khán giả, tôi cố gắng luôn tạo sự gắn kết với khán giả trong khi biểu diễn và thấy rằng họ xem rất chăm chú, thỉnh thoảng còn cười. Tôi thực sự rất ngạc nhiên vì để vừa đọc bản dịch trên màn hình vừa theo dõi vũ đạo thực sự không hề đơn giản. Tôi nhận thấy họ thực sự rất thích buổi biểu diễn. Sau khi buổi biểu diễn kết thúc một vài người còn đến gặp tôi và cho tôi xem vài quyển sách của Kafka bằng tiếng Anh họ đã đọc và muốn tôi ký tặng vào sách. Điều này thật tuyệt vời.”
Franz Kafka sinh ra trong một gia đình Do thái trung lưu nói tiếng Đức, do đó hầu hết các tác phẩm của ông đều được viết bằng tiếng Đức. Nhiều tác phẩm kinh điển của ông đã được dịch sang tiếng Việt như “Hóa thân”, “Vụ án” , “Lâu đài” và “Thư gửi cha”. Sự ủng hộ nhiệt tình của lượng lớn độc giả Việt Nam đã làm nên thành công của Kafka Festival lần đầu tiên tại Hà Nội. Phó đại sứ Áo tại Việt Nam Christian Vlazny cho biết: "Franz Kafka là một nhà văn nổi tiếng của châu Âu thế kỷ 20. Ông sinh ra tại Praha, thủ đô của CH Séc, trước đó vẫn là một phần của đế quốc Áo-Hung, thuộc vùng thiểu số nói tiếng Đức. Do đó tác phẩm của ông rất nổi tiếng tại các quốc gia nói tiếng Đức.
Trong Festival lần này có sự góp mặt của Đức, Áo, Thụy Sĩ và cả CH Séc vì Praha đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của Kafka. Và có cả Pháp một quốc gia không nói tiếng Đức. Trước khi chuẩn bị cho Festival tại Hà Nội chúng tôi chắc chắn rằng có rất nhiều tác phẩm của Kafka đã được dịch sang tiếng Việt. Điều đó cũng cho thấy công chúng tại VN cũng rất thích văn học của Kafka. Với việc lần đầu tiên tổ chức Festival chúng tôi hi vọng các tác phẩm của ông sẽ được tiếp tục đón nhận rộng rãi hơn tại Việt Nam.“
Có thể nói di sản mà Kafka để lại là kho báu quý giá của chung toàn nhân loại mà chúng ta sẽ mãi không ngừng ngưỡng vọng và khám phá. Tuy nhiên theo nghệ sĩ Spitzer, ngay tại tại Châu Âu, nhiều độc giả nhất là những người trẻ tuổi cảm thấy chưa đủ độ “chín” để có thể đọc và hiểu các tác phẩm của Kafka. Nhưng đặc biệt bà nhận thấy rào cản này đối với độc giả trẻ tuổi của Việt Nam không lớn. Ví thế bà và đồng nghiệp mong muốn được tiếp tục quay lại VIệt Nam để cùng độc giả tiếp tục cuộc “hành trình và khiêu vũ với Kafka”.