Câu Lạc bộ Hát then - Đàn tính xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu), nhiều năm nay vẫn duy trì 3 buổi tập luyện mỗi tuần. Đây là câu lạc bộ có bề dày kinh nghiệm về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở địa phương.
Ông Lò Văn Chơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, chia sẻ: "Từ niềm đam mê, yêu thích những điệu múa cổ, bài hát then và đàn tính của dân tộc, các thành viên trong câu lạc bộ cứ thế tăng lên. Sau gần 17 năm hoạt động, đến nay, câu lạc bộ đã có gần 30 thành viên, với 2 đội văn nghệ ở lứa tuổi trung niên và cao tuổi, được duy trì. Câu Lạc bộ chúng tôi sinh hoạt đều, vì những bài hát, múa then thì không thể bỏ được. Bây giờ chúng tôi đang cùng anh, chị, em phát triển hơn nữa, sáng tác thêm những bài hát khác để chèn vào chỗ hát then đàn tính. Việc này đang được chúng tôi bàn với nhau để càng ngày càng phát triển hơn nữa".
Câu Lạc bộ Hát then - Đàn tính xã Mường Cang chỉ là 1 trong số rất nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa của các dân tộc ở tỉnh Lai Châu. Tại xã Mường Cang, huyện Than Uyên, nơi được coi là cái nôi văn hóa của người Thái đen ở Tây Bắc, bà con nơi vẫn gìn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, như: các nét văn hoá về tín ngưỡng, văn nghệ, kiến trúc không gian nhà ở, lễ hội, tục thờ cúng tổ tiên, điệu múa, bài hát, nhạc cụ truyền thống, nông cụ lao động sản xuất và đồ dùng sinh hoạt...
Thời gian qua, Mường Cang đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, quy định, nhằm lưu giữ các nét văn hoá dân tộc, như: cán bộ công chức xã, giáo viên các trường học trên địa bàn thực hiện mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 đầu tuần hoặc tại các hội nghị của xã, cũng như các chương trình họp, gặp mặt trong ngày lễ, ngày kỷ niệm của các đơn vị; duy trì thường xuyên các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi truyền thống…
Ông Nguyễn Tự Cang, Chủ tịch UBND xã Mường Cang, cho biết:"Trong hơn 2 năm qua, xã đã duy trì 13 đội văn nghệ, 2 câu lạc bộ đàn tính hát then của các thôn, bản để hoạt động thường xuyên. Xã cũng triển khai mỗi trường học xây dựng một không gian để trưng bày các sản phẩm văn hóa dân tộc của địa phương và thành lập các câu lạc bộ trong học sinh của các đơn vị trường để hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa và cũng tham gia các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương".
Cùng với các hoạt động trên, huyện Than Uyên đặc biệt quan tâm đến việc phục dựng, bảo tồn và duy trì, phát huy bản sắc văn hóa của 4 dân tộc tiêu biểu gồm Thái, Mông, Dao, Khơ Mú. Đến nay, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo 4 tổ bảo tồn bản sắc văn hóa của 4 dân tộc trên; 8 ban chỉ đạo thực hiện nếp sống văn hóa mới vùng đồng bào dân tộc Mông, duy trì hơn 130 đội văn nghệ thôn, bản; khuyến khích các xã, thị trấn thành lập các câu lạc bộ văn hóa, duy trì và nâng cao hoạt động các đội văn nghệ thôn bản...
Bà Lê Thị Kim Ngân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Than Uyên, cho biết: "Chúng tôi đã phục dựng 4 lễ hội thành công, trong đó có 2 lễ hội của người Thái đen, 1 lễ hội của người Khơ mú và 1 lễ hội của người Mông. Cùng với đó, chúng tôi cũng phục dựng được 4 không gian văn hóa, để tái hiện 1 phần các giá trị văn hóa truyền thống, từ tổ chức sản xuất cho đến văn nghệ, rồi trò chơi dân gian, rồi các công cụ lao động phục vụ sản xuất".
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, ngoài ý thức gìn giữ văn hoá của đồng bào, việc Tỉnh Lai Châu ban hành Nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đã giúp cho công tác bảo tồn văn hoá của địa phương triển khai đạt nhiều kết quả tốt hơn. Hiện nay, nghị quyết này đang được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện, đảm bảo được yêu cầu. Một số sản phẩm về phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch được các địa phương rất quan tâm, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng ở một số địa phương.
Tỉnh Lai Châu đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm nghệ thuật múa xòe, trò chơi kéo co của dân tộc Thái; lễ hội Tủ Cải của dân tộc Dao, lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông và nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các lễ hội, tín ngưỡng dân gian, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các điệu dân ca, dân vũ... cũng đã, đang được bảo tồn, phát triển, góp phần làm nên sự đa sắc trong vườn hoa văn hoá các dân tộc Việt Nam.