Đường 20 Quyết thắng trong ký ức của những cựu chiến binh Trường Sơn

(VOV5) - Đường 20 - Quyết thắng bắt đầu từ Bản Phong Nha, bên dòng sông Son, tỉnh Quảng Bình, đến ngã ba Lùm Phùm (tỉnh Khăm Muộn, Lào). Với chiều dài 123 km, đường 20 - Quyết thắng được coi là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Đường 20 trở thành nơi đối đầu giữa ý chí, lòng quả cảm, trí tuệ con người Việt Nam với bom đạn, vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ.



Đường 20 Quyết thắng trong ký ức của những cựu chiến binh Trường Sơn - ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm bến phà Xuân Sơn, một trong những trọng điểm đánh phá của Hoa Kỳ trên đường 20



Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Bộ tư lệnh Binh đoàn 559 đặt cho con đường cái tên 20 bởi lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân và dân công tham gia mở, xây dựng và bảo vệ con đường này hầu hết đều ở lứa tuổi 18- 20. Cùng với đó là ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ Đoàn 559 mở con đường huyết mạch, phá thế độc đạo, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, để đưa hàng vào chiến trường miền Nam, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước nên đường 20 còn có tên gọi: Đường Quyết thắng. Với vị trí chiến lược, không lực Hoa Kỳ tập trung đánh phá ác liệt con đường này, đặc biệt là các trọng điểm như A-T-P (cua chữ A, ngầm Ta lê, đèo Pulanhíc), trọng điểm Trạ Ang, Cà Roòng, km 12, km 16,5, dốc Ba Thang... biến nơi đây thành những “toạ độ lửa” nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến. Hàng vạn cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến cùng đồng bào các dân tộc đã lao động, chiến đấu kiên cường, vừa đánh địch vừa phá đá mở đường… chi viện kịp thời sức người, sức của cho các chiến trường. Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu của mình, Đại tá Lê Kim Thơ, nguyên càn bộ Đoàn 559, chia sẻ:
“Có thể nói từng ngày từng giờ từng phút, bom đạn liên tục, không giờ phút nào vắng tiếng bom đạn. Chiến sỹ đồng đội hy sinh rất nhiều. Dù bom đạn máy bay như vậy nhưng, anh em vẫn ra đường, vẫn làm nhiệm vụ khắc phục, mặc dù có hầm để nấp, nhưng cũng có những chỗ bom đánh có khi không còn hầm nữa, nhưng vẫn làm, tranh thủ thời cơ, lúc nào vắng thì ra tập trung để làm, tất cả quyết tâm vì miền Nam ruột thịt, vì giải phóng miền Nam".


Đường 20 Quyết thắng trong ký ức của những cựu chiến binh Trường Sơn - ảnh 2

Không ai tính hết được những tổn thất, hy sinh của những cán bộ, chiến sỹ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã mở và giữ đường. Với khẩu hiệu: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”; “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng”… là nguồn cổ vũ tinh thần, tạo thành sức mạnh vô biên giúp những người giữ đường 20 lập nên chiến công, góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Bà Nguyễn Thị Thanh, cựu chiến binh lái xe Trường Sơn, mái tóc nay đã bạc trắng nhưng khi nhắc đến những tháng ngày lái xe trên con đường Quyết thắng, giọng nói của bà lại hào sảng như tuổi đôi mươi: “Những đêm tối đi vận chuyển hàng gặp máy bay, bom Mỹ nhưng vẫn không sợ hãi, cứ quyết tâm đi để hoàn thành nhiệm vụ. Bom đạn như thế nhưng không sợ hãi gì cả, vẫn cứ hiên ngang khi ra pháo sáng vẫn bình tĩnh mà đi không phải bảo ngần ngại thế nọ thế kia, đi thì đèn pha không đi được, toàn đi bằng đèn gầm thôi".

Mùa khô năm 1971-1972, nhằm ngăn chặn các đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam, Hoa Kỳ dùng máy bay AC-130 đánh bom thông minh điều khiển bằng tia laze, bom từ trường cải tiến đánh vào cầu ngầm và các đoạn đường xung yếu. Những nơi địa hình bằng phẳng, không lực Hoa Kỳ dùng máy bay AC-130 săn các đội hình xe ban đêm. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn, cán bộ, chiến sỹ đường 20 đã nghĩ ra cách đối phó với loại vũ khí này, đồng thời xe vào tiền tuyến nhanh hơn… đó là làm ra con “đường kín”. Thiếu tướng Tô Đa Mạn, nguyên phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu, cho biết: gọi là đường kín vì con đường ở dưới vòm lá của những cây lớn, ở những nơi ít cây thì dùng dây rừng cột những cành lá trên cao che kín con đường phía dưới; những nơi không có cây thì làm giàn che bằng các loại hoa rừng. Chính vì thế máy bay không thể phát triện ra đường và xe bên dưới nên các chuyến xe liên tục vào Nam, ra Bắc: “Lúc bấy giờ địch đánh nhiều quá. Tại sao Trường Sơn không mở đường kín đi, xe chạy ban ngày, giải quyết mọi vấn đề, đặc biệt là đối với máy bay AC 130. Chính vì vậy các cơ quan trên tham mưu bắt đầu mở đường kín phía Tây từ đường 20 chạy vào, quyết tìm đường kín mà đi, hầu hết là phía Tây Lào, con đường ấy bằng, rừng có cây khộp nhiều, len đi vào đấy, cách ngụy trang, phân công để làm thật nhiều đường. Chưa đến 1 năm, cán bộ chiến sỹ đã làm  xong hơn 3 nghìn km.”- Thiếu tướng Tô Đa Mạn kể.

Lòng quả cảm và sự hy sinh lớn lao của các anh, chị Thanh niên xung phong đã biến con đường 20-Quyết Thắng thành địa danh nổi tiếng về tính chất ác liệt và chiến công kỳ diệu của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Làm nên kỳ tích đó là một sự hợp đồng chiến đấu tuyệt vời giữa các đơn vị, các lực lượng khác nhau trên mỗi trọng điểm, mỗi cây số đường 20. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559, cho biết: “Bộ tư lệnh Trường Sơn phát triển nghệ thuật quân sự bằng tổ chức các chiến dịch vận chuyển. Mục tiêu vận chuyển là đưa được phương tiện và vật chất vượt sang Tây Trường Sơn. Muốn vượt như thế thì chiến đấu, chiến dịch vượt khẩu huy động lực lượng công binh, lực lượng pháo binh, lực lượng vận tải, hậu cần phối hợp trong một thời gian. Ví dụ trong 15 ngày hay trong 1 tháng, như vậy có không gian, có thời gian, có mục tiêu, chỉ huy hợp đồng binh chủng, khi đó mới tạo thành sức mạnh, đưa được hàng và phương tiện vượt qua Trường Sơn".

Ngày nay, đi trên đường 20 Quyết Thắng, những dấu vết của một thời đạn bom ác liệt đã hòa vào màu xanh bạt ngàn của núi rừng Trường Sơn, cùng những danh thắng đã trở thành di sản như Phong Nha Kẻ Bàng, động Thiên Đường… Để có được con đường bình yên như hôm nay, biết bao nhiêu bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân và dân công hỏa tiến đã hy sinh anh dũng để làm nên con đường 20 Quyết Thắng, con đường của những con người lứa tuổi 20 bất tử trong lòng dân tộc./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác