(VOV5) - Chiếc áo dài biểu hiện bản sắc tinh thần Việt Nam với vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, mảnh mai nhưng lại mạnh mẽ như một niềm kiêu hãnh của người phụ nữ Việt.
“Tinh hoa áo dài Việt Nam” là chủ đề của Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội. Nét đẹp họa tiết của phố cổ Hà Nội, của cốm làng Vòng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, những danh lam thắng cảnh của thủ đô được 32 nhà thiết kế trong và ngoài nước gửi gắm trong tà áo dài truyền thống, mang đến một vẻ đẹp mới cho áo dài Việt Nam. Tất cả gợi lại một hình Hà Nội sâu lắng, tràn đầy cảm xúc.
|
Các nhà thiết kế từ ba miền đất nước đã mang đến Festival những bộ sưu tập mang đậm hồn cốt Hà Nội. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trang phục truyền thống của mỗi quốc gia đều ẩn chứa những tinh hoa văn hóa đặc sắc, khơi gợi cảm xúc, mong muốn khám phá của khách du lịch khi đặt chân đến một đất nước. Hàn Quốc có hanbok, Nhật Bản có kimono, Scotland có váy kilt... Việt Nam có tà áo dài duyên dáng. Áo dài đại diện cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, e ấp... nhưng lại ẩn chứa nét đẹp yêu kiều, căng tràn sức sống. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết tạo nên sức sống mới trên nền tinh hoa Hà Nội cho những tà áo dài truyền thống không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng các nhà thiết kế đã đưa ra những thiết kế táo bạo, hấp dẫn nhưng vẫn đậm chất truyền thống cho tà áo dài được giới thiệu trong Festival áo dài Hà Nội năm 2016. Với hình ảnh những nàng tố nữ, con đường gốm sứ, Khuê Văn Các, tháp Rùa, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, phố cổ Hà Nội, thậm chí cả những bức tranh cổ động…, các nhà thiết kế đã xử lý bằng kỹ thuật rất mới làm cho chiếc áo dài rất hiện đại mà vẫn mềm mại, duyên dáng. Một số người còn chọn hội họa làm cảm hứng để thiết kế áo dài, trong đó có tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, Trần Nguyên Đán, Phạm Bình Chương…: “Đối với tôi Hà Nội là thành phố hội tụ đầy đủ những yếu tố để chúng ta phát triển trong lĩnh vực thời trang. Nói như thế không có nghĩa áo dài là thời trang mà áo dài là một biểu trưng đặc sắc nhất của bản sắc của văn hóa và thời trang cũng nằm trong dòng chảy. Cội nguồn của thời trang chính là bản sắc”.
Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa và cũng là vùng đất dành cho sự sáng tạo của các nhà thiết kế. Festival Áo dài Hà Nội năm 2016, là cơ hội để các nhà thiết kế thời trang, nghệ nhân, nghệ sĩ và những người yêu Hà Nội… cống hiến trí tuệ, công sức của mình để giới thiệu tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế những nét đẹp truyền thống, tài hoa của con người Thăng Long –Hà Nội. Nghệ sĩ Nhân dân Tiến Hợi, chia sẻ: “Hà Nội tổ chức Festival áo dài, lần đầu tiên, không khí rất vui. Vì tà áo dài đã đi vào lịch sử, truyền thống của Việt Nam. Con người Việt Nam đã luôn luôn gắn kết với cả áo dài không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông, thanh niên, người già. Những người đó cũng cần phải mặc bởi vì đó là quốc phục của Việt Nam mình”.
|
Các thiếu nữ với trang phục áo dài trong đêm khai mạc Festival áo dài Hà Nội năm 2016
|
Chiếc áo dài không đơn giản là một bộ trang phục mà còn kể một câu chuyện văn hóa. Vẻ đẹp Việt Nam luôn gắn liền với tà áo dài truyền thống và cũng là câu chuyện kể không bao giờ dứt bởi giá trị lịch sử của chiếc áo dài tạo ra những giá trị tiếp nối cho mọi thời đại, đồng thời góp phần trong việc xây dựng và tạo ra những giá trị mới, tinh thần mới cho những chiếc áo dài Việt Nam. Đối với nhiều người nước ngoài, hình ảnh chiếc áo dài cũng đã trở nên quen thuộc. Với họ, chiếc áo dài là trang phục của dân tộc Việt đẹp, độc đáo và lịch sự. Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, bày tỏ: “Trong nhiều lần đi tham dự liên hoan phim, hay tuần văn hóa, tuần phim Việt Nam ở nước ngoài thì Trà Giang đều mặc những bộ áo dài của Việt Nam. Khi mình xuất hiện với tà áo dài đó thì tất cả các phóng viên đều dồn vào chụp những bức ảnh về người phụ nữ Việt Nam đăng báo rất đẹp. Khi đó họ chưa xem phim về Việt Nam nên chưa biết nhiều về đất nước này thì người ta thấy được tà áo dài và qua đó biết một phần nào đó về Việt Nam”.
Ra đời từ thế kỷ 17, áo dài là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, chứa đựng trong đó tinh hoa, tâm hồn, tính cách của người Việt Nam. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm và đến nay, chiếc áo dài vẫn giữ nguyên giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần trong xã hội Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hà, người dân ở Hà Nội, tâm sự: “Phụ nữ Việt Nam mặc áo dài nhìn thấy rất đẹp. Đi đâu có công việc gì thì mặc. Ngày xưa ra đường là để mặc áo dài nhưng bây giờ có đi ăn cưới, lễ hội thì mới mặc áo dài”.
Chiếc Áo dài không đơn giản chỉ là một bộ trang phục. Với người phụ nữ Việt Nam, áo dài chứa đựng rất nhiều ý nghĩa trong từng đường nét. Áo dài Việt Nam là một biểu hiện mang bản sắc và tinh thần của Việt Nam. Chiếc áo dài biểu hiện bản sắc tinh thần Việt Nam với vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, mảnh mai nhưng lại mạnh mẽ như một niềm kiêu hãnh của người phụ nữ Việt.