(VOV5) - Trong giới những người đam mê tranh vẽ tường và nghệ thuật điêu khắc hoa văn Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, phải kể đến đôi vợ chồng chị Sơn Sà The và anh Lâm Phiên, ở phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng anh chị đã có hàng trăm tác phẩm được thực hiện công phu, độc đáo tại các ngôi chùa khmer hay trên những chiếc ghe Ngo tại lễ hội đua ghe Ngo...
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong những ngày lễ hội Óc Om Bóc-Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ đang cận kề, việc trang trí hoa văn trên chiếc ghe Ngo chuẩn bị dự lễ càng trở nên gấp rút đối với các chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Làm đẹp hàng chục chiếc ghe Ngo từ nhiều năm nay, vợ chồng chị Sơn Sà The và anh Lâm Phiên được các chùa mời đến trang trí hoa văn trên chiếc ghe Ngo của mình.
Anh Lâm Phiên vừa điêu khắc điêu luyện vừa có tay nghề vẽ tranh trên tường |
Chúng tôi gặp vợ chồng chị Sơn Sà The và anh Lâm Phiên khi anh chị đang hoàn tất những tác phẩm cuối cùng trên chiếc ghe Ngo của chùa Đay Tà Súa ở ấp Sóc Soài, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Chị Sà The cho biết tất cả chiếc ghe Ngo của người Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng. Với chùa Đay Tà Súa thì vẽ con kỳ lân ở mũi ghe. Đây là điểm nhấn nên khâu chọn vị trí vẽ làm thế nào để biểu tượng kỳ lân khi tham gia bơi đua vẫn cho người xem có cảm giác như đang bay, nhảy trên sóng là điều rất quan trọng: “ Nếu như vẽ hai người thì tốn thời gian khoảng 1 tuần lễ. Phần thân ghe thì tốn khoảng 3 ngày để hoàn thành từ vẽ hoa văn và trang trí màu. Phần mũi ghe thì tốn 1 ngày và đuôi ghe cũng vậy, nhưng hai phần này khó nhất, bởi mình phải tính làm sao cho cân xứng giữa hai bên.”
Qua các tác phẩm của anh chị, người xem hiểu được nhiều về nền văn hóa Khmer Nam bộ đa dạng, phong phú và luôn gắn liền với phật giáo Khmer Nam tông. Đánh giá về hoa văn do vợ chồng chị Sơn Sà The thực hiện trên chiếc ghe Ngo của chùa mình, ông Thạch Hớs, đại diện chùa Đay Ta Súa chia sẻ: “Tôi đã vẽ rất nhiều tác phẩm rồi, tôi thấy rất đa dạng, nhiều họa sĩ khác cũng không hơn tài nghệ của chị Sơn Sà The đâu. Do vậy, chúng tôi đã nhất trí mời chị đến chùa để vẽ… Sau khi hoa văn lên rồi, chúng tôi rất hài lòng.”
Chị Sà The đang hoàn thiện hoa văn trên ghe Ngo |
Chị Sơn Sà The cho biết đối với nghệ thuật vẽ, nếu chỉ dựa vào chút năng khiếu thì chưa đủ mà còn đòi hỏi sự đam mê, ham học hỏi và sáng tạo. Chị Sơn Sà The là nghệ nhân đời thứ 3 sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đam mê tranh vẽ tường tại các chùa chiền Khmer và điêu khắc ở khóm 5, Phường 2, Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Khi mới 14 tuổi, chị Sà The được ông ngoại là một nghệ nhân điêu khắc nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long và mẹ cũng là nghệ nhân tài hoa truyền đạt những kiến thức nghệ thuật từ cơ bản đến nâng cao.
Với năng khiếu trời phú và đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, chị đã trở thành nghệ nhân vẽ hình chuyên nghiệp, được nhiều chùa Khmer ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh mời tới thực hiện những tác phẩm vẽ dựa theo truyền thuyết trong kinh Phật. Chị Sơn Sà The cho biết: “Chị được học vẽ từ lúc 8 tuổi, 14 tuổi là bắt được vẽ được rồi, nhưng do còn đi học nên chưa thể đi vẽ nhiều. Đầu tiên vẽ cũng khó, nhưng nhờ có năng khiếu, đam mê, yêu thích nghề nên tôi học vẽ. Đây cũng là nghề truyền thống của gia đình tôi.”
Năm 1995, chị Sà The kết duyên với anh Lâm Phiên cũng là học trò của ông ngoại chị. Đến năm 1996, vợ chồng chị Sà The được các chùa mời tới thực hiện những tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ tường tại ngôi chánh điện, sala…. Những bích họa phật giáo, tiểu sử Đức phật, như cảnh phật thích ca mới sinh ra, cảnh Phật dạo bốn cửa thành, cảnh Phật xuất gia đi tu, cảnh Phật ngồi dưới gốc cây Bồ đề có rắn Thần Naga che chở, cảnh Phật tu khổ hạnh, cảnh Phật đắc đạo, cảnh Phật thuyết pháp, cảnh Phật nhập niết bàn… được bàn tay khéo léo của vợ chồng chị thực hiện công phu, sinh động, được các vị sư trụ trì tâm khen ngợi, tâm đắc, hài lòng.
Chồng đảm nhận phần điêu khắc, còn vợ chuyên về nghệ thuật vẽ tranh trên tường, chị Sơn Sà The và anh Lâm Phiên đã kết hợp với nhau tạo ra những tác phẩm sinh động. Anh Lâm Phiên chia sẻ: “Tôi yêu nghề này vì đây là nghề truyền thống của dân tộc mình nên cố gắng bảo tồn. Trước thì tôi chỉ học điêu khắc thôi, sau này mới học vẽ. Giờ thì tôi có thể điêu khắc được hết những gì mà khách yêu cầu.”
Với tài nghệ của mình, từ nhiều năm nay, vợ chồng chị Sơn Sà The và anh Lâm Phiên có rất nhiều tác phẩm đã và đang được lưu trữ tại các chùa Khmer trong khu vực Đồng bằng song Cửu Long. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ.