(VOV5) - Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam sẽ đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,2 triệu người.
Mục tiêu là sau khi được đào tạo nghề, có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
|
Nhờ được đào tạo về kỹ thuật, chất lượng thanh long của nông dân Châu Thành ngày càng được nâng lên. Ảnh: baolongan.vn |
Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết: “Lao động nông thôn hiện nay chiếm đến 47% tổng số lao động đang tham gia làm việc trong xã hội và phần lớn lại chưa qua đào tạo. Để tăng cường năng lực cạnh tranh, trước hết chúng ta phải đào tạo cho lực lượng lao động này để họ có thể tăng năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tạo nguồn lao động làm việc trong các khu công nghiệp và dịch vụ. Cho nên thực hiện Chiến lược dạy nghề trong thời gian tới, trong đó có việc đào tạo diện rộng, đào tạo nói chung, đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn thì phải trang bị cho họ kiến thức, kỹ năng cơ bản để họ có thể lao động với năng suất lao động cao hơn”.
Giai đoạn 2010-2015, cả nước đã có trên 4 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, đạt hơn 74% mục tiêu của giai đoạn 2010 - 2015.