Ra đời cách đây 31 năm (7/11/1981), Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, phát huy vai trò của mình trở thành thành viên của khối đại đoàn kết, thực hiện hữu hiệu phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội”. Điều này được thể hiện trong tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Tăng ni, Phật tử đều có sự đóng góp tích cực. Đặc biệt trong 5 năm qua, sự tham gia của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Tăng ni, Phật tử tạo được nhiều dấu ấn đậm nét trong xã hội.
Giáo lý đạo Phật được suy tôn
5 năm qua, nhiều hoạt động Phật giáo được Giáo hội Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hàng vạn Tăng ni, Phật tử, đã tạo nên sự đa dang trong hoạt động Phật giáo của Giáo hội, được cộng đồng xã hội đánh giá cao trong việc quảng bá tư tưởng giáo lý đạo Phật trong xã hội.
Một trong những hoạt động này phải kể đến là Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội vào tháng 7/2010 tại khu di tích hoàng thành Thăng Long và một số địa điểm khác đã tạo được dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng trong nước và ngoài nước.
|
Người dân đi lễ ở chùa Quán Sứ, Hà Nội (ảnh: Minh Hòa) |
Cũng trong năm 2010, tại Đại lễ khánh thành Tượng đài Thánh Gióng được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dâng hương và đánh giá cao về chất lượng, ý nghĩa công trình do Giáo hội làm chủ đầu tư, qua đó thể hiện sự gắn bó và đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.
Lần đầu tiên, Giáo hội tổ chức sự kiện quan trọng là cung nghênh rước Ngọc Xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam và an vị tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) vào tháng 6/2009. Đây là nghi lễ quan trọng và là sự kiện Phật giáo đầu tiên tổ chức quy mô, trang trọng trong phạm vi trong nước và quốc tế, đã có hàng vạn tăng ni, Phật tử tham gia. Hoạt động này được cộng đồng xã hội đánh giá cao trong việc quảng bá tư tưởng giáo lý đạo Phật trong xã hội.
Việc tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2008 với sự tham dự của 3.500 đại biểu, trong đó có 2.000 đại biểu đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với nhiều hoạt động sôi nổi, như: các cuộc hội thảo về vai trò của Phật giáo, thắp nến cầu nguyện hòa bình với sự tham dự của 3.000 người, diễu hành xe hoa… đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước trên thế giới. Qua Đại lễ, Giáo hội đã giới thiệu hình ảnh, hoạt động văn hóa, kiến trúc Phật giáo Việt Nam đến bạn bè thế giới, góp phần nâng cao vị trí không chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của cả đất nước trên trường quốc tế.
Không chỉ tổ chức các hoạt động Phật giáo ở trong nước, năm 2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức các chuyến đi Hoằng pháp ở châu Âu gồm nhiều quốc gia như: Pháp. CH Czech, Ba Lan, Hungari, Đức, Nga… với sự tham gia của các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức và một số Phật tử. Kể từ đó đến nay, hàng năm vào mùa Phật đản và Vu lan báo hiếu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều tổ chức các đoàn Hoằng Pháp đến nhiều nước…
Thiết thực tham gia vào mọi mặt của đời sống
Cùng với việc chăm lo phát triển đạo pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành, gắn bó với xã hội bằng những hành động cụ thể. Các hoạt động của Phật giáo luôn cổ vũ, lôi cuốn đông đảo Tăng ni, Phật tử và người dân trong cả nước cùng tham gia.
Trong nhiều năm qua, các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát động được Giáo hội tham gia tích cực. Với vai trò tiên phong, đã góp phần quan trong trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, thực hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, công tác từ thiện luôn được Giáo hội quan tâm hàng đầu. Trong các đợt thiên tai, bão lũ, Giáo hội đã vận động và con cả nước chung tay hỗ trợ bà con vùng bị thiên tai, bão lũ với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Trong những năm qua, không chỉ đưa vào hoạt động hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, khám và phát thuốc nam, Giáo hội còn kết hợp với các phòng khám Đông y, Tây y khám và và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn bệnh nhân, với kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng.
Hiện nay trên khắp cả nước, Giáo hội đã mở được trên 1.000 lớp học tình thương, là nơi nuôi dạy cho khoảng 20.000 trẻ mồ côi, khuyết tật. Cùng với đó là hàng chục nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng hơn 1.000 cụ già không nơi nương tựa…
Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, Giáo hội tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội khác như phong trào phòng, chống HIV; bảo vệ môi trường; bảo vệ an ninh trật tự, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư…
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng luôn quan tâm việc tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ bằng các hoạt động như đại lễ cầu siêu cho vong linh các Anh hùng liệt sỹ, đại lễ Vu Lan, Đại lễ Phật đản… Các hoạt động này thể hiện tinh thần tri ân và báo ơn của người con Phật, đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn ngàn đời của dân tộc ta. Chính những việc làm ý nghĩa đã thực sự tác động đến tâm hướng thiện của mọi người, đưa người dân đến với Phật giáo ngày càng nhiều.
Theo Thượng tọa Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII là dịp để Giáo hội đánh giá những kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng tinh tiến, tiếp tục làm vững mạnh ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc.
Có thể nói, qua 5 năm hoạt động trong nhiệm kỳ 2007-2012, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự trọng đại. Có được những thành tựu đó là do Giáo hội đã có đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với đạo pháp, dân tộc trong xu thế phát triển của xã hội.
Yếu tố cơ bản góp phần quan trọng vào những thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính là sự hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong các hoạt động của Giáo hội, để Giáo hội luôn là Ngôi nhà chung của Tăng ni, Phật tử và người dân trong cả nước./.