Hầm chỉ huy tác chiến - chứng nhân lịch sử trận Điện Biên Phủ trên không

(VOV5)- Chiếm diện tích khiêm tốn trong khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà nội nhưng hầm chỉ huy tác chiến Bộ tổng tham mưu lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt nam, đặc biệt là 12 ngày đêm trận Điện Biên Phủ trên không 40 năm về trước. Mới đây, hầm đã được phục dựng lại để đón du khách. Những bí mật của căn hầm dần hé lộ qua hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh và đồng đội, những người từng làm việc trong căn hầm ấy.

Nhấn vào đây để nghe âm thanh:

                                

Dẫn đầu dòng người vào tham quan hầm chỉ huy tác chiến ngay trong ngày đầu hầm được mở cửa trở lại, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh tận tình giới thiệu nơi ông đã công tác hơn 10 năm trên cương vị trực ban Phó kíp trực ban tác chiến những năm 70 của thế kỷ trước.

 

Suốt 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không, căn hầm bé nhỏ dưới lòng đất này là trung tâm chỉ huy, nơi tiếp nhận, xử lý những tin tình báo tuyệt mật về đường đi của máy bay B 52, nơi theo dõi tình hình chiến sự toàn chiến trường miền Bắc cũng như chiến trường Đông Dương, phát đi những mệnh lệnh chiến đấu kịp thời của lãnh đạo Bộ tổng tham mưu. Trong phòng trực ban rộng khoảng 30m2,căn phòng rộng nhất trong hầm chỉ huy tác chiến, qua dòng hồi ức, không khí căng thẳng trong ngày đầu tiên máy bay Mỹ tấn công Hà nội ùa về với vị tướng già Nguyễn Văn Ninh: “Ngày 18/12 (ngày mở màn chiến dịch ), 4h chiều đã có tin quân báo. Tiếp đó Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài cho biết đồng chí Lê Đức Thọ đã về, Mỹ ngừng rồi (ngừng đàm phán Paris). Đến 18h 20 phút thì tiêu đồ có tín hiệu B - 52.  Căn cứ vào 3 nguồn tin ấy và sự sẵn sàng chiến đấu của Sở chỉ huy các cấp, nhóm chúng tôi hội ý lại và nhận định Mỹ sẽ đánh bom Hà nội. 19h, tôi báo cáo trực tiếp lên Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và xin phép được báo động sớm. Ta quyết định kéo còi báo động sớm 25 phút trước khi bom rơi. Đây là điều chưa từng có trên thế giới. Trên thế giới các nước bị tập kích đều bị bất ngờ nhưng riêng Việt nam không bị bất ngờ.”.

Hầm chỉ huy tác chiến - chứng nhân lịch sử trận Điện Biên Phủ trên không - ảnh 1

Phòng họp tác chiến


Cũng chính ngay tại căn hầm này, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, còi báo động B52 bay vào Hà nội đầu tiên đã được phát đi: “Đây là nút ấn còi báo động còi điện trên nóc nhà Quốc hội (hội trường Ba Đình). Lúc đó quy định còi Ba Đình mà kêu thì 15 chiếc còi điện khác của Hà nội phải kéo còi. Tôi là người đầu tiên ấn nút báo động B 52 vào Hà nội yêu cầu lực lượng vũ trang tập trung cao độ, chuẩn bị tiêu diệt B-52 và cũng là lời nhắc nhân dân xuống hầm trú ẩn.”

 

12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không, tại hầm chỉ huy tác chiến luôn có kíp trực 24/24h. Tổ tiêu đồ mà bà Phạm Thị Thanh là một thành viên luôn sinh hoạt theo nếp đêm thành ngày và ngày thành đêm, ăn đứng, ngủ ngồi, để theo dõi và vẽ chính xác hàng nghìn đường bay của không quân Mỹ, không để sót một tín hiệu. “Trong căn phòng này, chúng tôi phải đeo tai nghe suốt 2 tiếng đồng hồ, (mỗi ca trực là 2h), không được bỏ ra lúc nào. Khi có tín hiệu phát ra từ trạm rada của phòng không không quân thì mình bắt đầu đi bút chì trên bản đồ. Nếu máy bay vào gần Hà nội, cách Hà nội 50km, sỹ quan chỉ huy sẽ nhìn vào bản đồ này và tuỳ tình huống sẽ ra lệnh báo động.”

 

Tiêu đồ viên Vũ Thị Thu Hà phân tích rõ hơn công việc bà đã làm 40 năm trước dưới căn hầm tuyệt mật: “Chúng tôi phải theo dõi để giúp lãnh đạo biết được vị trí mà địch oanh tạc nhưng quan trọng hơn hết chính chúng tôi là người dẫn đường để cho chỉ huy ở đây ra mệnh lệnh báo động cho toàn thành phố Hà nội. Nếu như chúng tôi không chính xác máy bay vào, chúng tôi bỏ sót thì rất nguy hiểm.”

 

Để hầm trụ vững trong suốt 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không mà không bị máy bay Mỹ phát hiện và oanh tạc, khi xây dựng Hầm chỉ huy tác chiến, Bộ Tổng tham mưu quyết định đánh sập tầng hai nhà làm việc của Cục tác chiến, tạo ra đống đổ nát để ngụy trang. Ngoài ra, hầm còn được thiết kế đặc biệt. Đại tá Nguyễn Quán Hồng, kỹ sư chính thiết kế căn hầm, nhớ lại hầm được xây dựng ngay từ những ngày đầu Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc (cuối năm 1964 đầu năm 1965). Hầm có diện tích 64m2, chia làm 3 phòng, được đánh giá là hiện đại nhất lúc bấy giờ với hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng hơi nước và thông hơi, lọc độc, chống nhiễu từ…. “Hầm được xây dựng bằng bê tông, cốt thép nguyên khối. Trên nóc có 3 lớp, lớp trên cùng và dưới cùng là bê tông, giữa là lớp cát. Nếu bom có rơi trúng thì người và các thiết bị bên trong hầm không việc gì. Cửa thì có 2 lớp cửa. Cửa ngoài rất dày, chống được các sóng xung kích nguyên tử. Căn hầm này chống được các loại bom đạn của địch mà người ta gọi là 3 vòng: vòng bom đạn thông thường, vòng nguyên tử và vòng hoá học.”

 

Sau 40 năm kể từ ngày diễn ra trận đánh Hà nội - Điện Biên Phủ trên không, trong hầm chỉ huy tác chiến vẫn còn khá nhiều hiện vật từng gắn bó một thời với Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh và đồng đội, từ bàn làm việc của Bộ Tổng tham mưu, bản tiêu đồ khổ lớn để định hướng máy bay địch, những bộ điện đàm, hàng chục chiếc điện thoại, đến bộ ấm chén uống trà, khay nhôm hay phích nước. Cũng giống như căn hầm, tất cả những hiện vật này đều đã nhuốm màu thời gian nhưng chúng là kỷ vật của một gian đoạn lịch sử anh hùng của dân tộc.

 

Năm tháng qua đi nhưng vai trò của Hầm chỉ huy tác chiến và những con người từng làm việc nơi đây đã đi vào lịch sử dân tộc như những yếu tố quan trọng nhất làm nên chiến thắng của trận Điện Biên Phủ trên không, mùa đông năm 1972./.

Phản hồi

Các tin/bài khác