(VOV5) - Chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đây cũng là một trong những đóng góp của UNFPA hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về bình đẳng giới.
Hòa nhạc Opera Gala “Là Con gái để Tỏa sáng” sẽ được tổ chức tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội, từ 20:00 đến 22:00 ngày 26 tháng 11 năm 2021 và sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình kỹ thuật số VTC3 và trên trang Facebook và YouTube của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).
UNFPA phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức hòa nhạc với các trích đoạn opera nổi tiếng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đây cũng là một trong những đóng góp của UNFPA hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về bình đẳng giới.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam và thế giới |
Hòa nhạc Opera Gala năm 2021 được thực hiện tiếp theo sự thành công của Hòa nhạc Giao hưởng năm 2020 với tiêu đề “Là con gái để tỏa sáng”.
Dưới sự điều khiển của Nhạc trưởng tài ba, ông Honna Tetsuji, Hòa nhạc năm nay sẽ là các trích đoạn opera nổi tiếng của các nhà soạn nhạc tài ba trên thế giới: Gioachino Rossini, Wolfgang Amadeus Mozart, Gaetano Donizetti, Giacomo Puccini và Giuseppe Verdi và được thể hiện qua các giọng hát opera thành đạt của Việt Nam, đó là Đào Tố Loan (giọng nữ cao); Bùi Thị Trang (giọng nữ cao); Lê Vành Khuyên (giọng nữ cao); Hương Ly (giọng nữ cao); Tùng Lâm (giọng nam cao); Trường Linh (giọng nam cao); và Nguyễn Đức Huy (giọng nam trầm).
Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh lần đầu tiên được xác định ở Việt Nam vào năm 2004, và từ năm 2005. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ số này đã tăng lên và đạt mức cao nhất là 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2019, tỷ số giới tính "tự nhiên" hoặc "bình thường" về mặt sinh học là từ 105 đến 106.
Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ Trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL nêu bật vai trò đóng góp quan trọng của Hòa nhạc Opera Gala. “Chúng tôi hy vọng là thông qua hòa nhạc, chúng ta có thể tạo ra một quyền lực mềm, gửi đến mỗi gia đình thông điệp hãy cùng nhau xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hòa nhạc Opera Gala “Là con gái để tỏa sáng” mong muốn tạo sự tự tin và tự hào được là con gái.”
Việt Nam trong những thập kỷ qua cũng đã đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, tuy nhiên, bạo lực gia đình và việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn còn tồn tại ở khắp mọi nơi trên cả nước. Tại Việt Nam, cứ 3 người phụ nữ thì có gần 2 người đã từng chịu một hay nhiều hình thức bạo lực trong cuộc đời của họ. Và bạo lực gia đình thường được che giấu trong xã hội Việt Nam, khi mà hơn 90% phụ nữ bị bạo lực không bao giờ tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ, và hơn nửa số họ không bao giờ chia sẻ với người khác về việc mình bị bạo lực. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đang có hiện tượng chênh lệch số lượng trẻ em trai nhiều hơn số trẻ em gái và Việt Nam có tỉ lệ chênh lệch cao thứ ba tại châu Á, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Vì nhiều cặp vợ chồng vẫn muốn có con trai hơn là có con gái và vẫn tồn tại hiện tượng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới khi còn là bào thai, và đó là lý do mà mỗi năm ước tính có 45.900 trẻ em gái đã không được sinh ra ở Việt Nam.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện của UNFPA tại Việt Nam đã nhấn mạnh rằng việc tổ chức hòa nhạc này là thể hiện cam kết của UNFPA nhằm đạt được mục tiêu: Không có bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bà Naomi Kitahara cho biết: “Chúng tôi thực sự mong muốn kêu gọi mọi người hãy chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Và chúng tôi cũng mong muốn kêu gọi mọi người hãy từ bỏ suy nghĩ chỉ muốn có con trai và từ bỏ việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Hãy để cho sức mạnh của âm nhạc đem chúng ta lại gần nhau. Hãy chung tay chấm dứt những thực hành có hại này.”
Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ năm 2019 do Chính phủ Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Chính phủ Australia, cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (62,9%) đã phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế và kiểm soát hành vi của chồng trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, bạo lực gia đình phần lớn bị che giấu ở Việt Nam. Gần một nửa số phụ nữ không nói với ai khi bị bạo lực, và hầu hết tất cả phụ nữ (90,4%) từng bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ nào từ các nhà cung cấp dịch vụ chính thức, phần lớn vì sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và sự quấy rối gia tăng.