(VOV5) - Triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ họa sĩ Mộng Bích mang tên Đi giữa hai thế kỷ khai mạc tại Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace và ra mắt sách catalogue vào 18h00 - 22/10.
Với 30 tác phẩm, bao gồm tranh lụa, màu nước và ký họa tiêu biểu xuyên suốt hành trình sáng tạo của bà trong hơn sáu thập kỷ, có thể nói Đi giữa hai thế kỷ là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Mộng Bích.
“Mộng Bích vẽ tranh bằng bản năng và đầy cảm xúc…” - Danh họa Trần Văn Cẩn
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ Thuật Việt Nam) và là học trò của những tên tuổi lớn như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đức Nùng... bên cạnh những kiến thức về mỹ thuật, Mộng Bích còn thừa hưởng ở những người thầy tuyệt vời của mình một tình yêu thuần khiết đối với hội họa.
Họa sĩ Mộng Bích năm 2019. |
Mộng Bích là một trong số ít những nữ họa sĩ ở thời đại mình đạt được những giải thưởng hội họa quan trọng, trong đó có thể kể đến bức Mẹ và con (Giải Nhất tại Triển lãm Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc, năm 1961) hay bức Bà già (Giải Nhất tại Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 1993)...
Tuy nhiên, những thành công đó không khiến cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Mộng Bích suôn sẻ hơn. Ngược lại, sự nghiệp của bà dường như gắn liền với “những thăng trầm, đổi thay của đất nước và những truân chuyên của chính cuộc đời bà.”
Bức tranh Thầy Cẩn của họa sĩ Mộng Bích. |
Với triển lãm Đi giữa hai thế kỷ, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng những bức chân dung đầy ám ảnh đã làm nên tên tuổi Mộng Bích mà còn có cơ hội lắng nghe những câu chuyện phía sau mỗi bức tranh qua lời kể của họa sĩ, để có thêm phương tiện cảm nhận đa chiều, sống động hơn về bối cảnh xã hội cũng như thế giới nhân vật trong tranh của bà.
Từ bà lão ăn mày vô tình bắt gặp trên đường đến người thầy đáng kính Trần Văn Cẩn, từ quang cảnh xóm Chăm chìm trong hoàng hôn cùng bầu trời đỏ rực đến chiếc rổ sảo, bình gốm trong căn nhà họa sĩ đang sống. Tất cả được miêu tả vô cùng sống động bằng nét vẽ cũng như lời kể của bà.
Bên cạnh đó, những thước phim tài liệu ghi lại cuộc sống của họa sĩ Mộng Bích tại một làng quê yên bình cũng sẽ được trình chiếu tại không gian triển lãm, góp phần khắc họa chân dung người họa sĩ có tinh thần làm việc bền bỉ. Dù xấp xỉ 90 mùa xuân, họa sĩ Mộng Bích vẫn tiếp tục thực hiện những ấp ủ của mình với hội họa.
Một chiều vùng Chăm - tranh của họa sĩ Mộng Bích |
Trải qua nhiều thập kỷ, tác phẩm của bà vẫn đong đầy giá trị mỹ thuật và giá trị lịch sử. Những biến chuyển về thời cuộc, làn sóng đô thị hóa và toàn cầu hóa mạnh mẽ kéo theo nhiều sự đổi thay. Thế hệ hôm nay đang dần mất đi những mối liên kết với quá khứ. Tác phẩm của bà như một tấm vé đưa người xem ngược dòng thời gian để đắm mình trong thế giới ấy một lần nữa.
Bức tranh Em bé Hàn Quốc - họa sĩ Mộng Bích. |
Trong suốt cuộc đời mình, bà chưa bao giờ theo đuổi những trào lưu hội họa, tìm kiếm những phương thức biểu hiện mới lạ hay cố gắng đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự kiên trì, đức tính khiêm nhường và sự đam mê dành cho hội họa của bà chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng cho thế hệ họa sĩ trẻ ngày nay.
Bức tranh Bà già của họa sĩ Mộng Bích. |
Khai mạc triển lãm cũng là dịp ra mắt cuốn sách catalogue đầu tiên tập hợp những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp hội họa kéo dài suốt sáu thập kỷ của họa sĩ Mộng Bích, do Nhã Nam in ấn và phát hành
Thêm vào đó, những góc nhìn đa chiều của các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhà hoạt động văn hóa về cuộc đời và tác phẩm của bà, sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về người nghệ sĩ tài hoa, cũng như về những số phận đặc biệt của mảnh đất Việt Nam, ở giữa hai thế kỷ.
“Ở tuổi gần 90, Mộng Bích không chỉ sống lâu hơn hầu hết những người đồng trang lứa, bà còn là hiện thân của những thay đổi mà lịch sử mỹ thuật nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung đã trải qua trong thế kỷ trước.”
“Triển lãm này là sự thừa nhận vị trí có một không hai của Mộng Bích trong di sản lịch sử nghệ thuật Việt Nam.”
“Tranh của bà vượt thoát khỏi mọi phong trào mà hầu hết các thế hệ đều tham gia. Chúng là lời nhắc nhở đẹp đẽ về tính phổ quát của các giá trị nhân văn.”
- Giáo sư Nora A. Taylor, Học viện Mỹ thuật Chicago