(VOV5) -Tại phố bích họa Phùng Hưng diễn ra buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang Thu - Đông với chủ đề “Sắc thu Hà Nội” và biểu diễn âm nhạc.
Chiều 9/10, chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 khai mạc tại phố cổ Hà Nội. Trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống chủ đề “Nghề truyền thống Việt” diễn ra tại đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) với mục đích quảng bá các giá trị di sản, tôn vinh nghệ nhân, thợ thủ công trong công tác bảo tồn giá trị di sản.
Nghệ nhân dân gian hướng dẫn nặn tò he. Ảnh Petro Times |
Tại đây, người xem được giới thiệu các nghề kim hoàn như nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương), nghề đậu bạc làng Định Công (Hoàng Mai - Hà Nội), nghề đúc đồng (Đại Bái - Bắc Ninh), nghề chạm bạc (Đồng Xâm - Thái Bình). Tại lễ khai mạc, người dân phố cổ được gặp gỡ, giao lưu cùng nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề để hiểu hơn về truyền thống, tinh hoa các nghề thủ công truyền thống.
Tối 13/10, tại phố bích họa Phùng Hưng, phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) diễn ra buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang Thu - Đông với chủ đề “Sắc thu Hà Nội” và biểu diễn âm nhạc.
Để đa dạng các hoạt động, Ban quản lý phố cổ Hà Nội còn tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống, tổ chức không gian giới thiệu và hướng dẫn các trò chơi dân gian nhằm làm phong phú hơn hoạt động tại không gian này, để phố bích họa thực sự trở thành điểm đến du lịch, nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật cộng đồng.
Chào mừng 64 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2018), nhiều công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đã và đang được các ngành, chủ đầu tư hoàn thành, đưa vào vận hành, sử dụng.
Tại khu vực nội thành là Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên (tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư. Cầu vượt được đưa vào sử dụng giúp giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực, kết nối nhanh giữa trung tâm Hà Nội với sân bay Quốc tế Nội Bài. Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết: "Sau khi hoàn thành, việc đi lại của nhân dân qua địa bàn quận Tây Hồ rất thuận lợi, đặc biệt là tuyến đường này thông sang cầu Nhật Tân đến sân bay Quốc tế Nội Bài. Tuyến đường vừa giảm áp lực về giao thông vừa xây dựng đầu cửa ngõ thủ đô xanh sạch đẹp...".
Dịp này Hà Nội cũng khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống tại huyện Gia Lâm, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống, cho biết: “Chúng tôi sử dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất bây giờ là của châu Âu. Chúng tôi cung cấp đến người dân nguồn nước sạch mà giống như các nước châu Âu đang sử dụng”.
Một trong những dự án giao thông trọng điểm được thông xe dịp giải phóng Thủ đô năm nay là công trình cầu Việt Trì-Ba Vì (cầu Văn Lang) nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32C, với tổng mức đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng. Việc cầu Văn Lang được đưa vào sử dụng sẽ giúp kết nối, mở rộng, lan tỏa vùng động lực Hà Nội với tỉnh Phú Thọ và các tỉnh vùng Tây Bắc, tạo ra hạ tầng giao thông đồng bộ của khu vực.