Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế

(VOV5) - Những năm gần đây, ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn theo đuổi chuyên ngành Khoa Việt Nam học và tiếng Việt của trường Đại học Khoa học – xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội. Đây được coi là cái nôi đào tạo tiếng Việt và giới thiệu văn hóa Việt Nam với sinh viên quốc tế.

Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 1
Lớp học đào tạo phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Ảnh: vsl.edu.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong ngày hội văn hóa dành cho sinh viên quốc tế, có một phần biểu diễn bằng tiếng Việt rất đặc sắc bài hát “Ông bà anh” của Oda- một sinh viên Nhật Bản đang học tại khoa Việt Nam học và Tiếng Việt của trường Khoa học – Xã hội – Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Học tiếng Việt và văn hóa Việt tại trường từ lâu đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều thế hệ sinh viên quốc tế khi đến Việt Nam.

Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 2
Chương trình văn nghệ trong ngày hội văn hóa dành cho sinh viên quốc tế. Ảnh: vsl.edu.vn


Sinh viên quốc tế tại khoa sẽ có 1 năm học tiếng, sau đó là 4 năm cử nhân học hoàn toàn bằng tiếng Việt. Về phương pháp dạy tiếng, do đặc thù một lớp học có sinh viên với nhiều quốc tịch khác nhau, các thầy cô giáo sẽ kết hợp dùng ngôn ngữ chung là tiếng Anh và tiếng Việt để giảng dạy. Thầy giáo Đào Văn Hùng, phó trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt của trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn chia sẻ:“Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài có một cái khó là tiếng của mình có sự khác biệt chi tiết về phát âm. Đó là cái khó về chủ quan. Nhưng với người nước ngoài học tiếng Việt lại có thuận lợi nhiều hơn, là bởi vì họ học ngoại ngữ rất nghiêm túc, có phương pháp và có mục đích rõ ràng. Khó khăn nhưng vẫn có nhiều thuận lợi”.

Nhiều sinh viên nước ngoài khi học tập tại đây đều có chung nhận xét rằng giảng viên Việt Nam rất thân thiện, nhiệt tình giúp họ có thêm nhiều động lực trong học tập dù rằng học tiếng Việt đối với người nước ngoài là khá khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và phương pháp học tốt. Ivan Elliot là một sinh viên đến từ Hungari chia sẻ: “Ban đầu tôi cảm thấy khá lúng túng, nhưng bây giờ tôi cảm thấy rất thích học tiếng Việt. Về tiếng Việt, tôi đã học được hai tháng tại đây. Phần nói khá là khó nhưng phần đọc và viết tôi cảm thấy dễ dàng bắt kịp. Chương trình ở đây rất thú vị. Tôi có đủ thời gian để học tại trường và thời gian bên ngoài để giao lưu và luyện tập tiếng Việt”.

Michael là một sinh viên Cuba, vẫn được bạn bè Việt Nam gọi thân mật là Phúc. Sang Việt Nam học theo chương trình liên kết giữa hai chính phủ, Phúc cảm thấy rất yêu thích chương trình học tiếng Việt tại đây: "Tôi nghĩ, ít nhất, ở khoa này, chúng tôi có những giáo viên thật tuyệt với, bởi họ có những phương pháp giảng dạy rất tốt để tạo nguồn cảm hứng cho chúng tôi thích học tiếng Việt, mặc dù rất khó. Ngay từ ban đầu, các giáo viên đã lưu tâm những đặc điểm của từng sinh viên nước ngoài, điều này thực sự rất quan trọng”.

Bên cạnh đó, khoa Việt Nam học và tiếng Việt cũng rất linh động trong việc tiếp nhận những sinh viên tự do có nhu cấu học tiếng Việt ngắn hạn từ 3 – 6 tháng. Hugo Magnoni là một đầu bếp người Pháp, sang Việt Nam làm việc được ba năm rưỡi và hiện nay mới theo học tiếng Việt tại trường được hơn 1 tháng. Mặc dù sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp rất thành thạo nhưng Hugo vẫn  chọn cho mình khóa học ngắn hạn. Hugo chia sẻ việc học tiếng Việt tại khoa là vô cùng bài bản và rất cần thiết cho những ai muốn đến sống và làm việc tại Việt Nam: “Ở đây thầy giáo rất tốt, thầy rất thú vị. Rất nhiều phần của tiếng Việt đã không bao giờ học được ở ngoài nhưng vào trường có thể hiểu được nhiều hơn về ngôn ngữ tiếng Việt”.

Về phía các thầy cô giáo tại đây, việc giảng dạy và tiếp xúc với nhiều sinh viên quốc tế đang phải sống xa quê hương, cũng khiến các thầy cô cảm thấy yêu quý và gắn bó với các em nhiều hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Huệ, đã có 9 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt tại khoa, chia sẻ: “Ví dụ sinh viên nhiều người rất gắn bó với mình, người ta coi mình như chị, hoặc em hoặc một người bạn rất thân, có chuyện gì đó của gia đình, bạn bè hoặc chuyện bí mật một chút, người ta cũng hay chia sẻ với mình, mình đồng thời vừa là giáo viên, vừa là bạn thân đồng thời giúp đỡ hướng dẫn chia sẻ với người ta, rất thú vị”

Sắp tới khoa Việt Nam học và tiếng Việt của trường đại học Khoa học – Xã hội – Nhân văn sẽ mở một chương trình học tiếng Việt online. Chương trình bao gồm những video clip dạy học từ xa cho các sinh viên quốc tế. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, việc phát triển đào tạo sinh viên nước ngoài tại khoa đã góp phần rất lớn giới thiệu đất nước và con người, nền văn hóa Việt Nam với bạn bè các nước một cách hữu hiệu nhất. Đồng thời qua đó, thiết lập được mối liên hệ mật thiết với các cựu sinh viên, học viên là người nước ngoài trong những chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động khác, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số hình ảnh trong ngày hội văn hóa của khoa:

Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 3
Gian hàng ẩm thực của sinh viên Cuba

Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 4
Gian hàng ẩm thực của sinh viên Cuba

Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 5
Gian hàng ẩm thực của sinh viên Bungari


Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 6
Các trò chơi dân gian trong ngày hội văn hóa

Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 7

Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 8

Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 9
Cuộc thi nặn bánh trôi của sinh viên quốc tế

Học tiếng Việt – lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế - ảnh 10
Triển lãm ảnh cúa sinh viên quốc tế
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác