Hội nạn nhân da cam/dioxin các tỉnh, thành luôn đồng hành cùng nạn nhân

(VOV5) -  Với phương châm "Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân chất độc da cam", Hội nạn nhân chất độc da ca/dioxin của các tỉnh, thành trong cả nước đã nỗ lực hết mình vì cuộc sống của các nạn nhân.


Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm song di chứng của nó vẫn còn để lại với hàng vạn nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Dù cuộc sống của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin gặp vô vàn khó khăn nhưng bao năm qua, họ không đơn độc chống chọi với bệnh tật. Bên cạnh họ có người thân, cộng đồng và đặc biệt là các tổ chức Hội nạn nhân da cam/dioxin ở các tỉnh, thành luôn sát sao quan tâm đã phần nào giúp họ bớt khó khăn, vơi đi sự mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.


Hội nạn nhân da cam/dioxin các tỉnh, thành luôn đồng hành cùng nạn nhân - ảnh 1
Ảnh minh họa: Bà Nguyễn Thị Viên, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được tặng nhà tình nghĩa. Ảnh: TTXVN



Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Thái Nguyên là một tỉnh nghèo ở trung du miền núi phía Bắc Việt Nam. Tỉnh Thái Nguyên có khoảng 25 nghìn người tham gia kháng chiến và con cháu họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Hiện nay, mới có trên 13.000 người là nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước, trong đó 11.000 người là nạn nhân trực tiếp và 2.000 người là nạn nhân gián tiếp. Là địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong 5 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã vận động được hơn 30 tỷ đồng dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Nguyên chia sẻ:  “công tác trong hội nạn nhân chất độc da ca/dioxin khó nhưng không phải bế tắc. Các cán bộ của hội đều là những người có tấm lòng từ tâm, sống với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đạo lý “thương người như thể thương thân”: “Yếu tố cán bộ là vấn đề quyết định mọi hoạt động của Hội. Do đó cần chọn được nhưng người có chí, có tâm, có tầm, dám nghĩ dám làm, đã tham gia công tác hội phải làm đến nơi đến chốn. Hội cũng thường xuyên bồi dưỡng nhiệm vụ công tác và kỹ năng công tác hội cho các cán bộ để hội viên”.

Trong thời kỳ chiến tranh, tỉnh Quảng Trị là vùng chiến sự ác liệt, chịu ảnh hưởng nặng trong chiến dịch rải chất độc hóa học của quân đội Mỹ ở Miền nam Việt Nam. Và hậu quả để lại là hàng vạn người nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, số liệu thống kê gần đây là gần 16 nghìn người nhiễm chất độc nguy hiểm này. Với tôn chỉ, mục đích là làm sao đó góp phần xoa dịu nỗi đau da cam trên địa bàn tỉnh, nhiều năm qua, hội nạn nhân chất đọc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị cố gắng làm hết sức mình để chia sẻ cùng với các nạn nhân này. Là tỉnh nghèo, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng là địa phương có truyền thống cách mạng nên khi phát động phong trào xã hội đồng hành với nạn nhân chất độc màu da cam thì mọi người dân đều hưởng ứng. Ông Lê Văn Đăng, chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Trong 10 năm qua,cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp,hội nạn nhân chất đọc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị đã vận động được hơn 23 nghìn tỷ đồng và tặng hơn 30000 suất cho nạn nhân chất đọc da cam dioxin. Chúng tôi tập trung vào gia đình có 2 nạn nhân trở lên và khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi còn tặng trên 150 chiếc xe lăn, xe đạp, rồi chúng tôi tặng suất học bổng, khám bệnh miễn phí cho nạn. Đặc biệt là Quảng Trị có vận động được chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ một dự án Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhâ chất đọc da cam/ dioxin”.

Tỉnh Tiền Giang cũng là một trong những tỉnh ở miền Tây chịu ảnh hưởng nặng của chất độc da ca/dioxin trong thời kỳ chống Mỹ. Hiện toàn tỉnh có gần 10.200 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, trong đó người có công 1.820 người và hơn 8.300 người là dân thường. Toàn tỉnh cũng tập trung chăm lo đời sống để nạn nhân da cam vơi đi bớt đau khổ của bệnh tật. Đặc biệt, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang được thành lập với đội ngũ cán bộ hội năng động, nhiệt huyết, đầy trách nhiệm đã là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những số phận kém may mắn, giúp họ từng bước đứng vững hơn trong cuộc sống hiện tại. Qua 10 năm hoạt động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang đã tặng hơn 50.000 phần quà, 11.000 suất lương thực, xây dựng 330 nhà tình nghĩa… với tổng số tiền gần 34 tỷ đồng. Ông Lê Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Tiền Giang xác định hoạt động trọng tâm và chủ yếu nhất chính là vận động nguồn lực xã hội, vì nguồn lực là điều kiện không thể thiếu cho nạn nhân để chăm lo về sức khỏe, đi lại, ăn ở, học hành cho nhân dân. Nguồn lực xã hội xuất phát từ các tổ chức, cá nhân đóng góp. Hội phải có cách vận động phù hợp nhằm khơi dậy cảm xúc, sự đồng cảm của người được vận động, nhằm chi sẻ giúp đỡ một cách tự nguyện. Để làm được điều đó đòi hỏi phương pháp vận động phải rất linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, có khi vận động trước tiếp nhưng cũng có lúc gián tiếp”.

Với phương châm "Đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm - vì nạn nhân chất độc da cam", Hội nạn nhân chất độc da ca/dioxin của các tỉnh, thành trong cả nước đã nỗ lực hết mình vì cuộc sống của các nạn nhân. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã bền bỉ tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân để đến nay các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, góp phần giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, xoa dịu nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác