(VOV5) - Các tham luận khẳng định Di chúc của Hồ Chủ Tịch là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đặc biệt trong công cuộc xây dựng đất nước.
Sáng 17/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực”.
Trung tá, PGS.TS Nguyễn Đình Bắc (Khoa Triết học Mác – Lênin - Học viện Chính trị Quân sự) phát biểu tại hội thảo. - Ảnh: VOV |
Các tham luận tại hội thảo khẳng định di chúc của Bác là văn kiện lịch sử vô giá, chứa đựng những nội dung sâu sắc phong phú, bao quát trên nhiều lĩnh vực cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó, nội dung xây dựng văn hóa Đảng là một nội dung đặc sắc, điểm nhấn của di chúc.
Trung tá, PGS.TS Nguyễn Đình Bắc, chủ nhiệm bộ môn, khoa triết học – Mác Lê nin, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, nêu rõ: “Trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, trong bản di chúc nói riêng, tự phê bình và phê bình không chỉ được xem là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng mà đã được nâng lên tầm văn hóa. Tự phê bình và phê bình để góp phần thiết thực xây dựng văn hóa đảng và vấn đề này được thể hiện trước hết ở mục đích đúng đắn, động cơ trong sáng của việc tự phê bình và phê bình. Trong đó Hồ Chí Minh cho rằng mục đích duy nhất và cao nhất của việc tự phê bình và phê bình là một mặt để sửa chữa cho nhau, khuyến khích nhau, học hỏi nhau cùng tiến bộ”.
Các tham luận cũng khẳng định di chúc của Bác không chỉ là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với nhân dân và sự nghiệp cách mạng mà còn là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và đặc biệt trong công cuộc xây dựng đất nước trong 50 năm qua và trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời cũng chỉ ra những bài học và đề xuất những vấn đề cần tiếp tục giải quyết, trong đó nhấn mạnh tới việc cần có những chính sách mới trong thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.