(VOV5) - Đây là hội thảo khoa học quốc tế về Phật giáo vùng Mekong được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý và công tác tôn giáo, giới nghiên cứu Phật học.
Hội thảo quốc tế “Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và phát triển” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra trong hai ngày 13-14/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Ảnh minh họa: Lễ khai mạc Đại giới đàn Chí Khả tại Quảng Trị. Nguồn: TTXVN |
Đây là hội thảo khoa học quốc tế về Phật giáo vùng Mekong được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý và công tác tôn giáo, giới nghiên cứu Phật học trong nước và quốc tế, trong đó có hơn 40 học giả đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Srilanka, Banglades...
Ngày 9/11, chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu về hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đến nay hội thảo thu hút gần 150 tham luận, trong đó hơn 90 tham luận của giảng viên, nhà nghiên cứu trong nước và hơn 40 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài. Các tham luận tập trung nghiên cứu sâu về Phật giáo vùng Mekong với các nhóm chủ đề chính như quá trình du nhập và phát triển; quá trình giao lưu và hội nhập; di sản và văn hóa; bảo vệ, ứng xử với môi trường trong quá trình toàn cầu hóa và phát triển bền vững.