Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, góc nhỏ bình yên

(VOV5) - Sự hiện diện của dòng kênh thông thoáng và những con đường sạch đẹp ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay chỉ là một ví dụ nhỏ của sự thay da đổi thịt diễn ra từng ngày tại thành phố Hồ Chí Minh sau chiến thắng 30/4/1975. 39 năm sau ngày chiến thắng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã trở thành một góc nhỏ bình yên giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh sôi động.

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, góc nhỏ bình yên - ảnh 1
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hôm nay (Ảnh: Báo Dân trí)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Chiều nào cũng vậy, bé Phạm Hoàng Lâm, 6 tuổi, được mẹ đón từ trường mẫu giáo về rồi ra ven kênh chơi cùng nhóm bạn. Chúng nô đùa, mồ hôi nhễ nhại nhưng miệng cười tươi rói. Chạy nhảy chán, đứa thì ngồi nghỉ, đứa thì đung đưa chân trên chiếc máy tập thể dục ven bờ kênh. Hoàng Lâm hồn nhiên khoe: "Con ra đây chơi từ 5h chiều tới 8h tối, ngoại dẫn con đi và ở đàng kia kìa. Con ra đây chơi với bạn. Con thích nhất trò chơi này".

Dọc hai bờ kênh trải đều từ quận 1 đến quận 3, rồi quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, có 10 địa điểm được lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh lắp đặt các thiết bị tập thể dục để phục vụ người dân. Vỉa hè dọc con kênh cũng trở thành công viên thu nhỏ cho hàng ngàn người dân vui chơi mỗi ngày. Bà Ba Cung, nhà ngay mặt đường Trường Sa, chiều nào cũng ra đây tập thể dục, cho biết: "Buổi sáng đông người tập thể dục. Tối chừng 7- 9 giờ đi dọc kênh cũng đông. Người ở tít xa cũng xuống dưới này đi tập".

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, góc nhỏ bình yên - ảnh 2
Người dân tập thể dục bên bờ kênh (Ảnh: Dân trí)

Vào những năm giữa thế kỷ 20, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong vắt, là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của nhiều hộ gia đình. Mỗi buổi chiều, dọc hai bờ kênh là những hình ảnh bình yên, phụ nữ giặt quần áo, đàn ông gánh nước, trẻ em bơi lội, chơi đùa. Suốt một thời gian dài sau đó, nhiều người từ khắp nơi kéo về thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Những căn nhà ổ chuột nhanh chóng mọc lên, rồi các cơ sở sản xuất đua nhau xuất hiện. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành túi chứa rác đen ngòm. Theo lời bà Ba Cung: "Trước kia, đây là con rạch nhỏ, mùa khô thì khô nhưng người dân xả chất thải ra kênh, trời nắng chịu không nổi. Ô nhiễm môi trường khổ lắm".

Đầu thế kỷ 21, thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm xóa sổ dòng kênh nhếch nhác này. Suốt trong 10 năm, dân cư sinh sống ven bờ kênh được di dời để xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa khang trang. Nước kênh cũng được xanh hóa bằng Dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nét hiền hòa ngày xưa của con kênh đã trở lại. Người dân sống ở xung quanh khu vực kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè có nằm mơ chắc cũng không nghĩ rằng chỉ trong một thời gian ngắn, khung cảnh ven con kênh lại thay đổi nhanh chóng đến vậy. Ông Võ Tuấn Kiệt, ở trong ngôi nhà nhỏ cách con kênh 30m, cho biết: "Lúc trước sống như nhà sàn, nhà giáp nhau, không có con kênh rạch lớn như thế này. Nhà nước có phương án giải tỏa cho người dân ở kênh Nhiêu Lộc, quy hoạch chỗ cho người đi bộ, tập thể dục, thể thao, giải trí cho người câu cá. Giờ thì thấy sạch sẽ quá đẹp rồi. Ngày xưa một chiếc xuồng chạy ngang không được. Bên kia và bên này giơ cây 5m là đụng. Bây giờ tôi ngửi thấy mùi tanh của cá rồi, kênh có sạch cá mới sống được, không còn mùi ô nhiễm. Tôi mừng lắm".

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, góc nhỏ bình yên - ảnh 3
Góc bình yên giữa lòng thành phố (Ảnh: Dân trí)

Đã gần 10 năm chuyển lên sinh sống ở chung cư, ông Hoàng Thanh vẫn nhớ phần đất thuộc nhà ông gần cầu Điện Biên Phủ, bây giờ một nửa là đường Hoàng Sa, một nửa trồng cây xanh.Vợ chồng ông tối nào cũng đi xe đạp một vòng kênh rồi dừng lại hóng mát bên con kênh. Ông Thanh chia sẻ: "Công trình này là công trình vĩ đại của nhân dân thành phố và của cả đất nước đóng góp. Công trình vĩ đại đem lại lợi ích xã hội rất lớn. Không khí môi trường ở đây cả người già và trẻ nhỏ đều được hưởng. Ngày xưa làm gì được như thế này".

Cho đến giữa năm 2013, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hồi sinh thành dòng kênh xanh, chống ngập nước cho một lưu vực rộng 33,2 km vuông, cải thiện cuộc sống 1,2 triệu dân cư thuộc 7 quận của thành phố Hồ Chí Minh. Các cụ già dạo mát ở kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè nói rằng muốn thấy rõ những câu chuyện đổi thay xung quanh dòng kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè thì nên đến đây vào chiều tối hoặc ban đêm. Đúng vậy. Những hàng quán ven kênh gần cầu Ông Tạ, cầu Thị Nghè càng về khuya càng đông. Ánh đèn từ những chung cư cao tầng gần đó hắt xuống dòng kênh, mang đến cảm giác về một cuộc sống yên bình và ấm áp giữa thành phố năng động và phát triển không ngừng./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác