(VOV5) - Đây là một trong những lễ hội lớn nhất Việt Nam.
Sáng nay (19/2) (tức mùng 10, tháng Giêng, năm Giáp Thìn), Lễ hội xuân Yên Tử chính thức khai hội tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Năm nay, phần lễ khai hội có các nghi thức, như: Gióng trống, thỉnh chuông; các nghi lễ tâm linh (dâng lễ, lễ cầu Quốc thái Dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử). Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, Hội Xuân Yên Tử năm nay có các hoạt động văn hoá đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên tử; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử, ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử...
Các đại biểu dâng hương cầu quốc thái, dân an tại khai hội Xuân Yên Tử năm 2024. Ảnh: TTXVN |
Lễ hội thu hút đông đảo người dân khắp mọi miền đất nước về đỉnh thiêng Yên Tử để tri ân công đức to lớn của đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm, Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (Pháp danh của Đức vua Trần Nhân Tông). Nhiều người dự lễ hội cho biết năm nay mưa, tuy nhìn thời tiết không thuận lợi để leo núi nhưng là tiết xuân, xuân của lễ hội, có lộc. Người dân lên đây chiêm bái Phật, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của người Việt, tinh thần của người Việt, là cội nguồn của dân tộc nên rất vui.
Danh sơn Yên Tử là địa linh, là phúc địa của quốc gia, nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của đức vua Trần Nhân Tông - Vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng, khi đất nuớc đã thanh bình, ngài đã rời ngai vàng bệ ngọc, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm. Vì thế, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là nơi khởi nguồn và ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và vua Trần Nhân Tông chính là Đức Phật của đất nước Việt Nam.
Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu di tích Yên Tử là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện, tỉnh Quảng Ninh cùng với tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã hoàn chỉnh Hồ sơ đề cử Quẩn thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.