(VOV5) - Liên hoan Phim Khoa học lớn nhất thế giới – đối tác chính thức của Liên Hợp Quốc trong chủ đề Thập kỷ về Phục Hồi Hệ Sinh Thái 2021-2040, diễn ra tại Việt Nam từ 17/10 đến 31/12/2024.
Sáng 17/10 tại trường TH - THCS và THPT Thực nghiệm, Hà Nội, sự kiện khởi động LHP Khoa học diễn ra với việc chiếu hai phim Ananas Anam, công nghệ tái chế chất liệu thời trang từ rác thải và Bồ Công Anh: Chuyên mục về bao bì đóng gói - Món quà hoàn hảo kết hợp với hoạt động thí nghiệm dùng sợi lá dứa để làm vật dụng và tái chế rác thành một thiết bị bảo vệ trứng cho thí nghiệm thả trứng rơi không vỡ.
Khởi động LHP Khoa học 2024 tại trường TH - THCS và THPT Thực nghiệm, Hà Nội. |
Liên hoan phim (LHP) Khoa học là chương trình thường niên do Goethe-Institut tổ chức, phối hợp cùng các đối tác và trường học ở 22 quốc gia trên thế giới, trong đó có 7 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Năm nay, LHP Khoa Học tại Việt Nam đã lựa chọn từ 85 phim và sẽ trình chiếu 20 bộ phim từ 9 quốc gia (CHLB Đức, Anh, Pháp, Italia, Chile, Colombia, Qatar, Thái Lan, Phillipines) tại nhiều tỉnh thành Việt Nam. Các bộ phim năm nay được lựa chọn với mục tiêu hướng tới đối tượng trẻ nhỏ (6 đến 14 tuổi) nên thường có thời lượng ngắn và lối tiếp cận dễ hiểu, thân thiện. LHP Khoa học tại Hà Nội được Viện Goethe tổ chức với sự đồng hành của Công ty Giải pháp Giáo dục THD, Trường TH, THCS, và THPT Thực Nghiệm trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Viện trưởng Goethe-Institut Hà Nội Oliver Brandt tại buổi khai mạc LHP Khoa học 2024.
|
Chủ đề của LHP Khoa Học 2024 là "Net Zero và Nền Kinh Tế Tuần Hoàn", nhằm nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải thực hiện các hành động bên cạnh những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính để giải quyết hiệu quả vấn đề bảo vệ khí hậu. Để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris, việc nhanh chóng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 là điều bắt buộc. Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow vào năm 2021, Việt Nam đã cam kết về việc sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào thời điểm năm 2050. Chính vì thế cần phải cổ vũ mạnh mẽ việc tái sử dụng và tái chế sản phẩm, ưu tiên chia sẻ, sửa chữa các vật liệu và sản phẩm hiện có. Nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp giảm thiểu sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tàn phá cảnh quan và môi trường sống, đồng thời hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh trẻ em ở mọi lứa tuổi và thanh thiếu niên, LHP Khoa học còn hướng tới đối tượng là các thầy cô hiện đang giảng dạy tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Phổ thông trung học trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Sau khi tham gia đăng ký dưới vai trò là "Đại sứ khoa học", các thầy cô sẽ nhận được bộ tài nguyên bao gồm các phim khoa học do các nhà làm phim chuyên nghiệp sản xuất và được các nhà khoa học thực thụ chấm điểm, cùng các hoạt động trải nghiệm tương ứng với phim và giáo án được soạn sẵn để triển khai ứng dụng tại nơi công tác. Trong suốt thời gian LHP diễn ra, các bộ phim cũng sẽ được đưa lên nền tảng trực tuyến phục vụ truy cập theo nhu cầu của Quý phụ huynh học sinh.
Hoạt động tương tác sôi nổi của học sinh trường thực nghiệm trong ngày khai mạc LHP. |
Thông qua LHP, Goethe-Institut mong muốn nâng cao khả năng hiểu biết về khoa học và ý thức của trẻ em và thanh thiếu niên về các vấn đề hiện tại thông qua các bộ phim quốc tế và các hoạt động giáo dục tương tác đi kèm. Nhiều tiến bộ khoa học và vấn đề môi trường được trình bày một cách hấp dẫn, gần gũi với khán giả trẻ. Các phim chiếu trong LHP được sản xuất với mục đích truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà khoa học, nhà môi trường và kỹ sư tương lai.
Qua các năm tổ chức, LHP đã có những phát triển vượt bậc, trở thành sự kiện phim khoa học lớn nhất thế giới với hơn nửa triệu khán giả mỗi năm. Chương trình mang tính quốc tế với sự đa dạng về thể loại, bao gồm phim hoạt hình ngắn, phim giải trí giáo dục dài tập và phim tài liệu từ khắp nơi trên thế giới. Tất cả các phim đều được dịch sang ngôn ngữ địa phương tại quốc gia tham gia Liên hoan phim, giúp khán giả dễ dàng tiếp cận và tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận về những thách thức cấp bách trong lĩnh vực khoa học và môi trường.