(VOV5) -Việc đặt quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện lòng tự tôn dân tộc với các danh xưng
Sáng 20/6/2019, Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” tại số 1, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trưng bày có sự phối hợp của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Bảo tồn di sản thành Nhà Hồ.
Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, đất nước Việt Nam mang nhiều quốc hiệu ứng với từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Việc đặt quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện lòng tự tôn dân tộc với các danh xưng như: Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, Đại Nam, Việt Nam. Trưng bày chuyên đế “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” giới thiệu 3 nội dung chính gồm: Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên; Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập; Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.
Ấn Mệnh đức chi bảo triều Nguyễn. |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết:“Đây là trưng bày đặc biệt của chúng tôi trong năm nay. Chúng tôi mang đến và nhắc nhở người xem về lịch sử đất nước Việt Nam qua câu chuyện kinh đô và quốc hiệu. Những tư liệu và hiện vật qua các cuộc khai quật chúng tôi lựa chọn để trưng bày, minh chứng rằng quốc hiệu và kinh đô Việt Nam trong suốt 4000 năm lịch sử là có thật, cho thấy lịch sử dân tộc Việt Nam dựng nước và xây dựng đất nước, bảo vệ từ xưa đến nay. Chúng tôi không kể cả một câu chuyện lịch sử dài mà chúng tôi kể một câu chuyện liên quan đến quốc hiệu và kinh đô. Ở đây chúng tôi chủ yếu trưng bày lịch sử phần Đại Việt cũng là nền tảng của nhà nước Việt Nam, quốc gia Việt Nam sau này. Đối với du khách nước ngoài họ hình dung được một nước Việt Nam văn hiến.”
Đến tham quan trưng bày, du khách còn có cơ hội tìm hiểu, thưởng lãm hơn 100 hiện vật đặc sắc, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, có niên đại từ thời văn hóa Đông Sơn đến ngày nay. Ngoài ra còn có các tư liệu mộc bản triều Nguyễn, đặc biệt, có hai hiện vật là trống đồng Cảnh Thịnh và ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”, là hai trong số 20 Bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” mở cửa phục vụ công chúng đến hết tháng 10/2019.