(VOV5) - Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” đang diễn ra tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội).
Triển lãm giới thiệu 38 tác phẩm tạo hình được các họa sĩ trẻ thực hiện trên các chất liệu, sơn mài, giấy dó, sơn dầu, lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống. Cùng với đó là 29 tranh dân gian Hàng Trống thể hiện trên chất liệu giấy dó.
Một góc triển lãm tranh Hàng Trống |
Các tác phẩm trưng bày của các nhà sưu tập tranh, nghệ nhân dân gian và nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”. Nội dung các tác phẩm phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Chia sẻ về nguồn cảm hứng thôi thúc các nghệ sĩ sáng tạo và lan tỏa việc lưu giữ và bảo tồn những giá trị nghệ thuật truyền thống, bạn Như Quỳnh, một trong số các họa sĩ trẻ tham gia tổ chức triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống” bày tỏ: “Có những bản nét hàng trăm năm tuổi, bây giờ chúng ta vẫn giữ gìn được những bản nét ấy hay những dòng tranh như này, nó là một điều vô cùng quý giá. Mình cũng giống như những người nghệ sĩ ở đây, đều muốn lan tỏa những hiểu biết về dòng tranh này đến mọi người. Để cho những người không học về nghệ thuật, không có cơ hội được tiếp xúc với nghệ thuật, họ sẽ biết nhiều hơn về dòng tranh Hàng Trống, những giá trị tinh hoa của Việt Nam mình”.
Tác phẩm của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, được cho là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh truyền thống này |
Triển lãm hiện đang nhận được sự quan tâm đông đảo của công chúng, đặc biệt là những du khách nước ngoài tới thăm Việt Nam. Một du khách người Nga lần đầu được chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo tại Triển lãm, cho biết: “Được vẽ bằng các chất liệu đa dạng. Tôi còn thấy các bức tranh ở đây xuất hiện rất nhiều những nhân vật truyền thống như hổ, phượng, và tất nhiên không thể thiếu rồng. Về màu sắc, tôi thấy nhiều nhất là màu đỏ và vàng kim. Tôi rất thích chúng”.
Trong đời sống hiện đại, có quá nhiều thứ với thu hút sự quan tâm của công chúng. Vì vậy, đánh thức ý thức bảo tồn và phát huy hội họa truyền thống của dân tộc trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Tác phẩm lụa kết hợp thêu của nghệ nhân Hoàng Thị Việt Hương |
Bạn Quỳnh Chi, sinh viên Trường Đại học Luật chia sẻ: "Cách mà giới trẻ bây giờ tiếp cận với các dòng tranh hiện đại cũng là thông qua phương thức đó, chính là nền tảng mạng xã hội. Vì vậy, chúng ta có thể có hai hình thức. Thứ nhất là tổ chức triển lãm như thế này, hoặc là đăng tải, truyền bá rộng rãi hơn ở trên nhiều lĩnh vực".
Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống”, giới thiệu cuộc đối thoại giữa tác phẩm phái sinh của các họa sĩ trẻ với tác phẩm gốc tranh dân gian Hàng Trống, sẽ được tổ chức đến hết tháng 7/2023.