(VOV5) - Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm sau đó, Nhã nhạc được công nhận.
Tối qua (17/6), tại thành phố Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam - được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Di sản cố đô, trao truyền và hội tụ” được dàn dựng công phu, hoành tráng. Với thời lượng gần 80 phút, Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Di sản - ký ức và trao truyền, Hội tụ sắc màu Festival và Còn mãi với thời gian, do 9 Đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam và các quốc gia.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh việc Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm sau đó, Nhã nhạc được công nhận - đã mở đường đưa những di sản văn hóa Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định với thế giới rằng Việt Nam là một quốc gia giàu có về văn hóa và có tiềm năng để phát triển mạnh ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa. Thừa Thiên - Huế hiện là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh. Di sản Huế là địa điểm thường xuyên đón tiếp các nhà lãnh đạo, các nguyên thủ quốc gia, các đối tác trong và ngoài nước mỗi khi đến Huế và Việt Nam.
Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO. Đây là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam - được UNESCO ghi tên vào Danh mục các Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.