Lắng nghe Đài TNVN từ nơi “sâu thẳm” nước Pháp

Ông Gilles Gautier-một người dân Pháp: “Tôi thích các chương trình của Đài TNVN, chương trình rất thân thiện”.


Tại thành phố Perche cách Paris gần 200km, nằm trên đồi cao, giữa những cánh đồng bát ngát, có một ngôi nhà là trụ sở của Câu lạc bộ “Những người bạn của đài phát thanh”. Ở nơi đây, một nơi “sâu thẳm” của nước Pháp, như cách gọi của các thành viên, cuộc sống tĩnh lặng, bình yên và thật tuyệt vời khi họ có thể bắt sóng được một số đài phát thanh trên thế giới, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN).

Năm 2013 đánh dấu 30 năm ra đời câu lạc bộ Những người bạn của phát thanh Perche. Dù hiện chỉ có 35 thành viên rải rác khắp nước Pháp, nhưng câu lạc bộ luôn tự hào có những người yêu làn sóng phát thanh đến say mê. Thật xúc động khi đến với câu lạc bộ đúng ngày kỷ niệm 30 năm, những thành viên đã lớn tuổi từ nhiều tỉnh thành của nước Pháp, có nơi xa xôi đến cả nghìn cây số vẫn lặn lội về họp mặt với những người bạn cùng niềm đam mê.

Lắng nghe Đài TNVN từ nơi “sâu thẳm” nước Pháp - ảnh 1
Các thành viên của Câu lạc bộ “Những người bạn của đài phát thanh”


Đặc biệt, kỷ niệm 30 năm câu lạc bộ cũng đồng thời là dịp sinh nhật 80 tuổi của cựu chủ tịch, người sáng lập câu lạc bộ ông Réné – người đã tặng cả ngôi nhà của mình để làm trụ sở câu lạc bộ.

Trò chuyện với PV Đài TNVN, ông Rene rất khiêm tốn nhưng vô cùng xúc động khi nói về niềm đam mê chung: “Internet thì gần như chắc chắn là nghe được nhưng thế thì không hấp dẫn. Chúng tôi là những người đi tìm kiếm, tìm kiếm trong không trung và khi bắt được một làn sóng từ tận đầu kia của trái đất thì là điều tuyệt vời. Đài TNVN luôn là mục tiêu tìm kiếm của tôi”.

Dù các thành viên đều đã lớn tuổi, câu lạc bộ vẫn nỗ lực tự làm riêng một tạp chí có tên là “Ăng-ten của Perche”, trong đó có cả danh sách các chương trình phát thanh theo từng múi giờ trong ngày, tần số bắt sóng của đài phát thanh từ hàng chục quốc gia, trong đó Đài TNVN được ưu tiên xuất hiện rất nhiều trong danh sách.

Ông Guy Le Louet, Chủ tịch Câu lạc bộ cho biết: “Tôi biết Đài TNVN phát sóng nhiều ngôn ngữ. Rất thú vị bắt được sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, dù nghe không hiểu ngôn ngữ của các bạn, nhưng qua tần số mà chúng tôi có, tôi biết đó là Đài TNVN của Việt Nam. Dù nghe internet giờ tốt lắm, nhưng nghe theo cách truyền thống, nghe qua sóng ngắn, từ nơi này chúng tôi có thể bắt sóng được từ rất xa, từ Việt Nam chẳng hạn, thì điều đó vẫn tuyệt vời với chúng tôi”.

Lắng nghe Đài TNVN từ nơi “sâu thẳm” nước Pháp - ảnh 2
Ông Guy Le Louet, Chủ tịch Câu lạc bộ “Những người bạn của đài phát thanh”

Trong căn nhà nhỏ trên đồi hẻo lánh, câu lạc bộ tập hợp được những “tài sản” mà họ gọi là “vô giá”. Đó là những tài liệu, hiện vật do các đài phát thanh các nước tặng. Và đặc biệt trên bức tường danh dự trong ngôi nhà, có treo những tờ chứng nhận của Đài TNVN trao tặng cho những thính giả đặc biệt này cùng nhiều tài liệu về Đài TNVN.

Ông Gilles Gautier, một thành viên từng tham gia và được nhận giải thưởng của Đài từ mấy năm trước hào hứng kể lại: “Tôi thích các chương trình của Đài TNVN, chương trình rất thân thiện, dễ chịu, có những người phóng viên, biên tập viên trả lời thư của chúng tôi gửi về chương trình. Tôi nghe đài, thích quá và viết vài lời trên một tấm thiệp nhỏ gửi cảm ơn và sau đó tôi nhận được thư trả lời cảm ơn tấm thiệp của tôi. Rồi tôi biết có cuộc thi do Đài tổ chức vào ngày thành lập 7/9, nội dung các câu hỏi là về đất nước Việt Nam, lịch sử, địa lý, thế là tôi tham gia, mày mò tìm tòi trong thư viện, trên mạng internet tìm ra các câu trả lời. Cuối cùng thật sung sướng tôi được nhận giải thưởng của Đài, đó là một chiếc trống đồng tuyệt đẹp và tôi luôn giữ gìn trong phòng khách ở nhà”.

Đáng chú ý, trong căn nhà của câu lạc bộ, các thành viên sưu tầm và lưu giữ được 5 chiếc đài khổ lớn tuổi đời từ những năm 1930. Đúng thật kỳ diệu khi họ có thể bắt sóng Đài TNVN từ chính những chiếc đài lâu đời ấy. Và đó là nhờ một thành viên đặc biệt đóng vai trò “kỹ thuật viên” chuyên sửa đài trong câu lạc bộ ông Philippe Marsan.

Lắng nghe Đài TNVN từ nơi “sâu thẳm” nước Pháp - ảnh 3
Tạp chí của Câu lạc bộ


Ông Marsan vui vẻ gọi kỹ năng sửa đài của mình là một “năng khiếu”: “Tôi say mê và có năng khiếu sửa đài phát thanh hay sao ý. Tôi đã từng hỏi trong gia đình tôi và được biết có một người trong họ hàng cũng có chung đam mê này nhưng tôi chưa bao giờ gặp ông ấy đâu nhé, nhưng chắc giống gen ông ấy nên thích Radio. Tôi cứ tự học thôi, mày mò hệ thống của Radio rồi tìm cách sửa, thay cái này cái kia… Hàng ngày, cứ lần lần các tần số từng chút từng chút một rồi đột nhiên bắt được một kênh, kỳ diệu lắm. Một tuần trước, khi đang ngồi mày mò các tần số, đột nhiên tôi bắt được sóng của Đài TNVN, lúc gần lúc xa, nhưng nghe được khá, tôi reo lên Đài TNVN đấy. Tuyệt vời lắm!”

Đến với câu lạc bộ Những người bạn của phát thanh Perche, trong một không khí vui vẻ hào hứng với những câu chuyện không dứt xoay quanh chiếc đài phát thanh và những tần số sóng “kỳ diệu”, tôi cảm nhận được niềm tin vô bờ của các thành viên nơi đây. Với họ, làn sóng phát thanh luôn trường tồn. Và thật kỳ diệu, khi ở một nơi rất xa như thế này, có những con người hàng ngày say mê tìm kiếm, chờ đợi và hạnh phúc khi bắt sóng Đài TNVN./.


Thùy Vân/VOV - Paris

Phản hồi

Các tin/bài khác