(VOV5)- Đây là dịp để tưởng nhớ công lao của lớp thế hệ đi trước; tôn vinh và tri ân công lao khai sáng, truyền dạy nghề nghiệp cho người dân.
|
Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016 - Ảnh: hoangthanhthanglong.vn |
Trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội- Việt Nam 2016, sáng nay (01/10), tại Hoàng Thành Thăng Long, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Lễ rước Tổ nghề truyền thống của 3 làng nghề tiêu biểu là làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông và làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Mở đầu Lễ rước Tổ nghề của 3 làng nghề truyền thống, Đoàn rước kiệu đã thực hiện nghi lễ rước kiệu và dâng mâm lễ vật lên bàn thờ trên Sân rồng. Đây là một trong những nghi lễ truyền thống được duy trì và bảo tồn từ hàng nghìn năm nay, có ý nghĩa giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng... Phát biểu tại Lễ rước Tổ nghề, ông Trần Đức Hải, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết: Thờ tổ nghề được coi là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho nhân dân, di dưỡng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”: “Sự tồn tại của các làng nghề, phố nghề hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề của cư dân Thăng Long- Hà Nội. Đây là dịp để tưởng nhớ công lao của lớp thế hệ đi trước; tôn vinh và tri ân công lao khai sáng, truyền dạy nghề nghiệp cho người dân. Cùng với đó là biểu dương lực lượng làng nghề, lịch sử văn hoá làng nghề, tiềm năng kinh tế của các làng nghề truyền thống, khơi dậy miềm tự hào về các làng nghề, ngành nghề truyền thống; đồng thời khích lệ các làng nghề với niềm tự hào về Tổ nghề, về quê hương, hăng say lao động, sáng tạo.”
Thăng Long là mảnh đất tập trung nhiều phường thợ nổi tiếng với số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, 1 nghìn 350 làng nghề và làng có nghề, có tới 47 trong tổng số 52 nghề trên toàn quốc.