(VOV5) - Bộ Lịch sử Việt Nam được biên soạn gồm 25 tập thông sử dày hơn 10 nghìn trang (trong đó, 13 tập Lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ-trung-đại, 12 tập thời kỳ cận-hiện đại)
Sáng 12/11, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ tiếp nhận bản thảo Bộ Lịch sử Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ. - Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN |
Việc triển khai hoạt động nghiên cứu, biên soạn được bắt đầu từ năm 2015, hoàn thành năm 2020 theo lộ trình, đảm bảo chất lượng và tính thống nhất của bộ Quốc sử. Tham gia Đề án có gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước. Bộ Lịch sử Việt Nam được biên soạn gồm 25 tập thông sử dày hơn 10 nghìn trang (trong đó, 13 tập Lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ-trung-đại, 12 tập thời kỳ cận-hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó, 3 tập thời kỳ cổ-trung đại, 2 tập thời kỳ cận-hiện đại)…
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là đề tài có ý nghĩa quan trọng, được lãnh đạo Đảng, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận sự đóng góp của các nhà khoa học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt cố Giáo sư Phan Huy Lê, chủ biên bộ Quốc sử này. Hiện bộ sách đã hoàn thành bước rất quan trọng cơ bản và tiếp tục phải nghiệm thu ở quy mô quốc gia, Phó Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến và bổ sung, chỉnh sửa của các nhà khoa học để bộ sách Lịch sử Việt Nam được hoàn thiện.