(VOV5) - Kazuo Ishiguro được xem là một trong những nhà văn Anh ngữ nổi bật nhất hiện nay.
Ông là một trong những nhà văn hiếm hoi cùng lúc sở hữu hai giải thưởng văn chương danh giá: giải Man Booker (1989) và giải Nobel Văn chương (2017).
Nhà văn Kazuo Ishiguro. |
Sau
Tàn ngày để lại phát hành năm 2021, tác phẩm tiếp theo của Kazuo Ishiguro –
Một họa sĩ phù thế vừa đến với bạn đọc Việt Nam, do Nhã Nam ấn hành
. Được sáng tác năm 1986 và là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của nhà văn Anh gốc Nhật này, tác phẩm đưa độc giả dõi theo những lời bộc bạch của một họa sĩ Nhật Bản đã về hưu, trong một nước Nhật thời hậu chiến.
Những bất trắc của tuổi trẻ
Câu chuyện của Một họa sĩ phù thế được tái hiện qua lời tự thuật của nhân vật chính Ono, một họa sĩ đã già, trong những năm nước Nhật đang tái thiết với tư cách nước chiến bại trong đại chiến thế giới thứ hai. Tuy vậy, những ký ức của Ono lại đưa người đọc về với tuổi trẻ của ông, vào giai đoạn ông thấy hình như lý tưởng của đời mình đã hiện lên trước mắt: phải đem nghệ thuật phụng sự cho đế quốc Nhật lúc bấy giờ đang phát xít hóa.
Kazuo Ishiguro đã pha thêm một chút lắt léo thực bẽ bàng vào bên dưới giọng văn bình thản của cuốn sách này, đủ khiến người đọc phải bật cười và thương cảm cho ông già Ono. Từ đầu cho đến gần kết truyện, qua lời kể của Ono, ta thấy dường như ông chính là một nhân vật quan trọng. Phải, dù đã đi con đường sai lầm, nhưng Ono vẫn có một niềm kiêu hãnh ngấm ngầm, rằng sai lầm của ông là sai lầm của một vĩ nhân, và bởi vậy nó vẫn đáng nể trọng.
Vậy mà, con gái ông rốt cục đã bảo bố mình thế này: “Cha đã vẽ những bức tranh tuyệt vời [...] Nhưng cha chỉ đơn thuần là một người làm nghề vẽ.” Rất có thể Ono chỉ là một người thợ bình thường, chỉ là trong nội tâm ông đánh giá quá cao bản thân mà thôi. Cú vỡ mộng này, có thể thấy là đau đớn gấp bội phần cú vỡ mộng lý tưởng. Chẳng có lý tưởng nào hết, và ta chỉ là một kẻ thật bình thường trong cuộc đời này mà thôi.
Một tuyến quan trọng trong tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro, đấy là quan hệ thầy trò. Tác giả xoáy sâu vào một khía cạnh rất ít khi được nhắc đến ở những ông thầy lớn: càng vĩ đại thì họ lại càng khó chấp nhận sự trưởng thành của học trò mình. Sự rộng lượng và hẹp hòi, cao quý và đê tiện ở họ dường như là hai mặt của một tờ giấy, chẳng thể tách rời.
Có một từ then chốt được Kazuo Ishiguro nhấn mạnh trong tác phẩm của mình, đó là “kẻ phản bội”. Ono từng là người học trò cưng, được người thầy tin cậy gửi gắm những tâm sự kín đáo nhất của mình. Thế rồi, khi Ono cảm thấy nghệ thuật của mình phải đi theo một con đường mới, thầy ông đã chiếm đoạt và tiêu hủy tranh của học trò. Trong mắt thầy, Ono là kẻ phản bội.
Nhưng văn chương tránh phán xét, nó tìm cách hiểu. Kazuo Ishiguro đã nhìn thấy điều gì ở những ông thầy lớn? Đó chính là việc họ có một tình yêu lớn đối với học trò. Đó là một tình yêu đích thực, tức là một tình yêu đòi sự chiếm hữu và rất ít vị tha. Người thầy rộng lượng vô hạn khi học trò đi theo con đường mình chỉ, và đê mạt cùng cực khi học trò trưởng thành, coi sự độc lập của trò là hành vi phản bội, sự mâu thuẫn đó chỉ có thể được giải thích bằng tình yêu. Học trò giống như một sự nối dài bản ngã của người thầy, một sự khẳng định tính đúng trong lựa chọn của anh ta, và bởi vậy việc học trò trưởng thành lại chính là một cú đánh đau đớn vào sĩ diện của ông thầy: học trò từ chối nghe anh, ném trả lại tình yêu của anh, vạch ra những thiếu sót của anh, và dứt khoát đi theo con đường mà anh không ưa. Tình yêu không được đáp lại, tất yếu chuyển hóa thành thù hằn, theo những cách thức khó mà tầm thường hơn được.
Đó là định mệnh của mọi quan hệ thầy trò lớn. Học trò lớn bao giờ cũng chấm dứt quan hệ với ông thầy lớn theo một cách chẳng thể tàn nhẫn hơn. Ono về sau cũng lặp lại đúng những hành động của thầy ông.
Tựu trung, cuốn sách vẫn rất dịu dàng trong cách nó nhìn nhận con người: chúng ta là những con người yếu đuối và hạn hẹp, mà tuổi già cùng kinh nghiệm thực tế cũng chẳng làm ta khôn ngoan hơn. Thế giới thì mênh mông, khiến người ta luôn chậm trễ trong việc bắt kịp nó. Thậm chí đến cả tình yêu cũng có cái giá thật tàn nhẫn.
Con người biết phải làm sao trong một thế giới như thế? Có lẽ chỉ có một cách: hãy rộng lượng với bản thân, như ông già Matsuda đã nói. “Ít nhất chúng ta đã hành động theo đức tin của mình, và đã cố gắng hết sức.”
Kazuo Ishiguro (1954) sinh ra tại Nagasaki, Nhật Bản, ông theo gia đình sang Anh sinh sống từ năm 1960. Sự nghiệp sáng tác của ông khởi đầu từ năm 1982, với tác phẩm đầu tay Cảnh đồi mờ xám, đoạt giải thưởng Winifred Holtby của Viện Văn học Hoàng gia Anh. Từ đó đến nay ông viết thêm nhiều cuốn tiểu thuyết khác, với chất lượng khá ổn định. Ông giành nhiều giải thưởng lớn về văn chương như giải Whitbread Prize cho tác phẩm Một họa sĩ phù thế… Cuốn tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi ra đời năm 2005 được Time Magazine xếp vào danh sách 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến năm 2005.