|
Nhóm học sinh Mỹ đang gặt lúa trên sườn núi ở Tả Phìn
|
Nhấn vào đây để nghe bài viết:
(VOV5) Những ngày thu này, một nhóm học sinh người Mỹ đang học tập tại Việt Nam có chuyến đi ngoại khóa theo chương trình học tại tỉnh Lào Cai. Họ đã tình nguyện đến gặt lúa cho gia đình người dân tộc Mông ở xã Tả Phìn, huyện Sapa. Nhóm học sinh Mỹ đến Tả Phìn đúng vào vụ gặt. Chốc chốc, ở những thửa ruộng gần dưới chân núi, bắt gặp một nhóm người Dao, chỗ thì đập lúa, chỗ thì gặt lúa.
Nhà mà nhóm học sinh Mỹ tham gia gặt lúa giúp là một gia đình người Mông. Chị Chau Thị Van, 40 tuổi, niềm nở ra đón đoàn. Căn nhà gỗ nhỏ ọp ẹp không có nhiều vật dụng trong gia đình. Mọi thành viên trong nhà đã đi vắng cả. Chồng chị Van đi hái thảo quả. Năm người con đều đã đi học. Chị Van, vai địu cậu con trai út mới đầy tám tháng, tất tả đi trước, chỉ lối dẫn đường tới khu vực ruộng nhà chị. Chị vừa nói vừa chỉ: ruộng nhà chị ở tận trên núi kia."Ở dưới không có ruộng, nên phải lên trên. Cũng đủ ăn. Tất cả được ba sào. Một ngày phải đi lên, đi xuống đến bốn lần đấy".
Quá trình trèo núi, nghỉ giữa chừng năm, sáu lần, mất ba chục phút cả đoàn mới tới thửa ruộng nhà chị Van. Cô học sinh lớp 11 Nan Macmillan vừa thở hổn hển vừa cười nói:"Quả là khó khăn để đi bộ leo núi lên tới tận đây. Bây giờ tôi mới cảm nhận được sự vất vả của người nông dân Việt Nam, cảm nhận được giá trị của những hạt gạo tôi ăn hàng ngày. Người nông dân đã trồng ra nó vất vả như thế nào. Thật là đáng giá".
Tới nơi, sau khi được người phụ nữ dân tộc Mông này hướng dẫn, cả đoàn bắt tay ngay vào việc gặt lúa. Những đôi tay chỉ quen cầm bút, giờ đây gượng ghịu cầm liềm cắt những búi lúa đầu tiên. Chiếc liềm miền núi của Việt Nam ngắn hơn miền xuôi, và cũng không cong bằng, dài và cong hơn chiếc dao nhỏ một chút. Sarah Weiner là người hăng hái nhất. Cô làm quen ngay với các động tác gặt lúa, chẳng mấy chốc đã trở nên thuần thục: "Tôi thấy thật là thú vị khi tự mình tham gia gặt lúa. Bây giờ tôi đã thực sự hiểu về công việc này. Tôi cảm thấy đáng khâm phục những người nông dân làm nông nghiệp, lao động trên đồng ruộng để làm nên hạt gạo nuôi sống con người. Khi gặt lúa, tôi cảm thấy khá là mệt, nhưng tôi thích sự trải nghiệm đó".
Vừa thu các bó lúa các bạn vừa gặt trải lên thành bờ ruộng, Luke William III vừa nói: "Tôi chưa bao giờ có cơ hội gặt lúa ở Mỹ. Khi làm ở đây mới thấy, đó là công việc khá vất vả. Tôi thấy những người VN là những con người rất cần cù, chăm chỉ. Tôi tôn trọng họ".
Nhìn các cô cậu học sinh Mỹ thoăn thoắt gập người gặt lúa, chị Chau Thị Van vui lắm: "Quá là vui. Như thế này cảm ơn lắm rồi. Gặt xong, rồi hôm nào nắng lại lên đây, đập lúa vào cái thùng đấy. Gặt xong,thì ltrồng rau: rau ngót, lá ngái, lá ngải, rau cải. Một năm làm một vụ thóc. Dưới làm hai vụ. Trên đây không làm được.".
3 thửa ruộng bậc thang nhanh chóng được gặt xong xuôi. Các bạn trẻ người Mỹ quay trở lại xuống núi, bước chân như êm ái hơn, cơ thể như nhẹ nhõm hơn. Cái mệt mỏi của một tiếng đồng hồ làm nông nhanh chóng tiêu tan. Tiếng cười nói ríu ran trong trẻo vang xa cả một vùng núi đầy nắng và gió. Tình nguyện gặt lúa cho người dân tộc miền núi của VN, các học sinh Mỹ chỉ nghĩ đó là một sự trải nghiệm, để hiểu hơn về cuộc sống người nông dân VN, để yêu hơn người dân VN./.
(Lan Phương)
Một số hình ảnh của nhóm học sinh gặt lúa tại Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai