Năm 2011 Văn hóa Việt Nam ghi nhiều dấu ấn

Tiếp nối thành công của năm 2010, năm 2011, Việt Nam tiếp tục khẳng định giá trị văn hóa đối với thế giới bằng việc hai sản văn hóa của Việt Nam được Tổ chức Văn hóa, khoa học, Giáo dục thế giới UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp. 2011 còn là năm đánh dấu nhiều thành công của Việt Nam trong các liên hoan nghệ thuật mang tầm quốc tế.

 

Tháng 6 năm 2011, tại kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức tại Paris- Pháp, Thành Nhà Hồ chính thức được vinh danh là Di sản Văn hoá Thế giới.  Thành nhà Hồ, kì quan kiến trúc bằng đá ở Thanh Hóa chứa đựng những huyền tích, kì tích phong phú, hấp dẫn về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc. Tòa thành đá kỳ vĩ này là kết tinh trí lực sáng tạo độc đáo, sự khéo léo kì diệu của đôi bàn tay, vừa thể hiện óc thẩm mỹ, tinh tế của người Việt xưa. Sự công nhận của thế giới đối với một công trình bằng đá độc nhất vô nhị đã mang lại niềm tự hào cho người dân Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung nhưng cũng đặt ra cho họ những trọng trách phải làm cho mai sau.

 

 Năm 2011 Văn hóa Việt Nam ghi nhiều dấu ấn - ảnh 1

 Ông Đoàn Văn Phú, Phó giám đốc Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Việc thành nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới vừa là điều kiện cơ bản để thanh hóa cất cánh phát triển nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đối với nền kinh tế, văn hóa, xã hội Thanh Hóa. Thành nhà Hồ bản thân nó đã là thương hiệu văn hóa thế giới rồi cho nên đó là tiền đề  quan trọng để chúng tôi xây dựng sản phẩm du lịch Thanh Hóa  với ý nghĩa mang tầm vóc quốc tế. Trước hết là đầu tư về quy hoạch nhưng không phá vỡ cảnh quan môi trường và giá trị văn hóa di sản thành nhà Hồ. Tiếp nữa là cộng đồng dân cư, họ tiếp cận với những vấn đề này là mới cho nên phải có chiến lược, sách lược cụ thể.”

 

Niềm vui của người Việt Nam như được nhân lên gấp bội khi vào dịp cuối năm, Vịnh Hạ Long vào danh sách một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do tổ chức New7Wonders công bố. Nằm ở Đông Bắc Việt Nam với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ trải ra trên một vùng biển rộng 1553 km2, Vịnh Hạ Long là món quà kỳ diệu nhất mà tạo hóa có thể ban tặng cho con người. Việc danh thắng từng hai lần được UNESCO vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới này tiếp tục lọt vào danh sách 7 kì quan thiên nhiên mới của thế giới một lần nữa khẳng định giá trị vĩnh hằng, uy tín toàn cầu của Vịnh Hạ Long. “Niềm tự hào của Việt Nam” hứa hẹn sẽ đưa ngành du lịch “cất cánh” trong năm 2012.

 

Năm 2011 Văn hóa Việt Nam ghi nhiều dấu ấn - ảnh 2 

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc làm tiếp theo của chúng tôi là giữ vững thương hiệu và làm sao để phát huy hiệu quả của nó cao hơn nữa. Hàm lượng giá trị nhiều hơn nữa để du khách đến với Hạ Long nhiều hơn, chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn, đồng thời việc tạo nên sản phẩm này cũng giúp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài và khách quốc tế sẽ yêu VN nhiều hơn và đến với VN nhiều hơn nữa. Việc giữ thương hiệu, trước hết phải xây dựng đội ngũ làm du lịch có trình độ chuyên môn cao hơn như về ứng xử, ngoại ngữ, văn hóa ẩm thực, sản phẩm du lịch, hoạt động của cộng đồng dân cư trên Vịnh Hạ Long cũng phải tổ chức tốt hơn để tạo ra hình ảnh ấn tượng hơn nữa.”

 

Những lời chúc mừng của bạn bè quốc tế khi Hát Xoan Phú Thọ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại,  khép lại một năm thành công của văn hóa Việt Nam. Đây là sự vinh danh đặc biệt ý nghĩa bởi bên cạnh niềm tự hào còn là trọng trách nặng nề của toàn thể người dân Việt Nam làm sao bảo tồn nguyên vẹn được di sản phi vật thể quý báu này. UBND tỉnh Phú Thọ đang tiến hành hàng loạt hoạt động nhằm “giữ gìn và bảo vệ khẩn cấp” như phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị của hát Xoan với cộng đồng trong nước và bạn bè quốc tế, tổ chức truyền dạy nghệ thuật hát Xoan cho thế hệ trẻ…Hi vọng trong năm mới 2012, các giải pháp đồng bộ trên sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng.

 

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, khẳng định:  “Trên thực tế di sản đại diện và khẩn cấp có ý nghĩa như nhau nhưng đối với danh sách khẩn cấp thì nó lại quan trọng hơn bởi đó là nhiệm vụ, thách thức đối với di sản đó nên phải có trách nhiệm đầu tư nhiều cho việc bảo vệ di sản. Nhưng năm nay vui hơn, bất ngờ hơn, lần đầu tiên trong cả quá trình 7 di sản thế giới được công nhận cũng như 6 di sản phi vật thể được ghi nhận thì đây là lần đầu tiên VN được đánh giá cao về công tác làm hồ sơ. Đây là một niềm vui trước hết là cho cộng đồng bởi vì di sản của họ được tôn vinh một cách vẻ vang và những nhà làm hồ sơ, nhà nghiên cứu, văn hóa cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm và những đóng góp của họ cũng được Unesco công nhận.”

 

Năm 2011, lần đầu tiên Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam tới công diễn tại Mỹ. Hoạt động này không chỉ thể hiện để khán giả quốc tế nhìn nhận về sự trưởng thành trong âm nhạc kinh điển của Việt Nam qua các tác phẩm đặc sắc như “Adagio for Strings”, “Bản giao hưởng số 8” mà đây còn là cơ hội để các nghệ sĩ giới thiệu sự độc đáo, đặc sắc của văn hóa Việt Nam qua hai bản nhạc dân ca “Lý hoài nam” và “Trống cơm”.

 

Năm 2011 Văn hóa Việt Nam ghi nhiều dấu ấn - ảnh 3 

Ông Ngô Hoàng Quân, cục phó cục nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Đây là dấu ấn đáng tự hào của Việt Nam đã hội nhập sâu và có bước đi vững chắc bằng cả văn hóa Châu Âu và dân tộc. Việt Nam mang đến cho mọi người hiểu rằng Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập. Điều đó cũng thể hiện trình độ biểu diễn, trình độ  thưởng thức của Việt Nam có bước phát triển cao. Đây là cơ hội cho VN giới thiệu văn hóa dân tộc cho thế  giới và cũng là sân khấu cho nghệ sĩ Việt Nam đem tài năng của mình giới thiệu cho thế giới, đồng thời đây cũng là sự gìn giữ nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.

 

2011 còn là năm đánh dấu nhiều thành công của Việt Nam trong các liên hoan nghệ thuật mang tầm quốc tế với những giải thưởng lớn nhất từ trước tới nay. Đoàn Sol - Art lần đầu tiên mang về giải Nhất cho hợp xướng Việt Nam trong Liên hoan hợp xướng Quốc tế Johanes Brahm tại Đức. Có thể nói, tới đâu Việt Nam cũng để lại những dấu ấn rất rõ nét về văn hóa, nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều tài năng nổi bật. Nếu có thêm nhiều cơ hội mở rộng giao lưu hơn nữa, có thể tin tưởng rằng văn hóa Việt Nam sẽ làm tốt vai trò cầu nối, đưa hình ảnh đất nước vươn xa hơn./.

Lan Anh

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác