(VOV5) - Nơi đây đã sản sinh ra một nét văn hoá đặc trưng của miền sông nước, đó là chợ nổi.
Với mạng lưới sông rạch chẳng chịt ở vùng Miền Tây đồng bằng sông Cửu Long có những dòng sông, con nước lớn tràn bờ, có những chiếc ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông. Cũng chính vì thế, nơi đây đã sản sinh ra một nét văn hoá đặc trưng của miền sông nước, đó là chợ nổi.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nằm trên sông Cái Răng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 6 km, chợ nổi Cái Răng là một điểm nhấn du lịch của thành phố Cần Thơ mơ mộng. Từ bến Ninh Kiều đến trung tâm chợ chỉ mất 30 phút. Từ tờ mờ sáng, từng đoàn khách du lịch đã vội vã bước xuống thuyền để thăm chợ nổi, mọi người kháo nhau, đi chợ phải đi lúc sáng sớm, bởi khi sương tan, ánh nắng lên thì chợ cũng. Quả đúng vậy, khi chiếc thuyền chở khách tiến gần tới cây cầu gắn biển Chợ nổi Cái Răng, khi ánh sáng lờ mờ thì đã nghe tiếng xuống máy, tiếng động cơ, tiếng người rao bán
Chợ Ngã Bảy là chợ đầu mối với đủ loại hàng hóa, nông sản, vừa bán sỉ, vừa bán lẻ. -Ảnh: dulich 24.com.vn |
Là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Cái Răng tấp nập người mua kẻ bán cùng hàng trăm thuyền, ghe lớn bé đậu san sát ngay từ sáng sớm. Ngày thường, chợ họp từ 3h sáng đến 9h, đến cận Tết chợ họp gần như suốt ngày.
Ở chợ nổi Cái Răng, ngoài ngắm nhìn những ghe thuyền đầy ắp trái cây, nông sản phẩm, du khách còn có dịp thưởng thức các món ăn đậm chất Tây Đô như: hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi. Đặc biệt, du khách sẽ thích thú khi nhìn thấy những chiếc sào cao có treo các loại đồ như rau củ để thu hút sự chú ý từ xa. Nhìn thấy treo củ quả gì tức là ghe, thuyền bán loại củ quả đó, cây sào đó còn được gọi là “cây bẹo”. Tạp chí Rough Guide của Anh đã từng miêu tả chợ nổi Cái Răng là một trong những khu chợ tuyệt vời nhất thế giới vì nét độc đáo và sự thân thiện.
Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ 5 km. Chợ họp đông nhất từ 6-8 giờ sáng. Hàng trăm ghe, thuyền lớn bé đậu san sát nhau tại chợ nổi. -Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Hàng hóa tập trung ở đây thường với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, sang tận Campuchia và Trung Quốc. Những chiếc tàu buôn thường đến chợ sớm hơn. Bà Huỳnh Thị Út, chủ một tàu buôn trái thơm cho biết:Họp chợ ở đây thường 1 giờ sáng đã họp rồi, có những ghe thuyền buôn bán trao đổi xong là đi luôn. Được cái năm nay buôn bán trúng mùa, lại trúng giá nên buôn bán ổn định hơn.
Được hình thành từ thế kỉ thứ 18, chợ nổi Cái Bè là nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Ngoài cảnh ghe thuyền đi lại như mắc cửi, chợ nổi lâu đời bậc nhất Tiền Giang này còn thu hút du khách bởi bức tranh thủy mặc của thị trấn với những khu vườn nối tiếp vườn, những dãy phố nằm dọc bờ sông, lúc ẩn lúc hiện dưới hàng dừa nước, khung cảnh đặc trưng miền Tây. Ở đây có nhiều sản vật phong phú, đa dạng từ trái cây tới gia cầm, thủy hải sản, thậm chí cả đồ gia dụng, vải vóc. Đặc sản nơi đây có quít đường, kẹo dừa hoặc độc đáo hơn là xà bông từ dừa. Đi Cái Bè, người đi chợ còn phải đi sơm hơn vì chợ họp từ 2h tới 8h.
Chợ nổi Phụng Hiệp, hay còn gọi là chợ Ngã Bảy – nơi 7 tuyến sông gặp nhau, là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Chợ cách thành phố Vị Thanh, Hậu Giang 75km và trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 30km về phía Nam.
Ảnh: Lan Anh/VOV5
|
Phụng Hiệp hơn hẳn các chợ nổi khác vì thuận lợi giao thông, bề dày lịch sử và cả qui mô hoạt động. Chợ hình thành từ 1915, sau 10 năm đào kênh Xáng, nối các kênh rạch còn lại, tạo thành Ngã Bảy Phụng Hiệp, trung tâm đầu mối giao thông đường thủy lớn nhất trong vùng. Thời hưng thịnh, có ngày gần cả ngàn ghe thuyền về Ngã Bảy họp chợ. Chợ như một cửa hàng bách hóa tổng hợp khổng lồ, sống động, có thể mua sỉ, bán lẻ, cực kỳ đa dạng. Cuộc sống trên sông ở đây đôi khi phong phú hơn trên cạn. Ở đây, do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… Có nhữn gia đình quanh năm sống trên những chiếc ghe thuyền, nhà nổi phục vụ đồ ăn cho khách đi chợ và cả khách tham quan. Chị Út Lan, chuyên bán món hủ tiếu ở chợ Ngã Bảy, cho biết: Em sống trên ghe, thỉnh thoảng thời gian rảnh rỗi lại lên bờ, cha mẹ ở quê cũng có mấy công vườn, khi nào rảnh rỗi về thăm phụ giúp gia đình, còn chủ yếu sống trên sông, con cái thì có khi gửi ông bà nội nuôi trông, buôn bán ở đây cũng tàm tạm, cũng đủ ăn đủ sài thôi…
Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như tivi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh… hay thậm chí cả xe gắn máy
Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp, nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn. Trong tương lai có thể có thêm nhiều tàu thuyền buôn được trang bị hiện đại hơn, to đẹp hơn, nhưng chắc chắn vẫn là phương tiện không thể thiếu được ở các chợ nổi, nét văn hóa độc đáo ở vùng sông nước Miền Tây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.