(VOV5) - Ngày 20/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố 2 báo cáo “Đánh giá lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị khu vực Đông Á - Thái Bình Dương: Những hành động cần thiết” và “Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam”.
|
Khu bể nước đã qua xử lý làm sạch, đạt tiêu chuẩn cho phép của Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Hòa Xá, Nam Định (Ảnh: Danh Lam - TTXVN) |
Các báo cáo khẳng định dịch vụ vệ sinh đô thị bền vững mang lại nhiều lợi ích lớn tại Việt Nam và trong khu vực. Báo cáo “Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam” tập trung nghiên cứu những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải do môi trường bị ô nhiễm bởi quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong công tác xử lý nước thải đô thị và những năm gần đây đã đầu tư khoảng 500 triệu USD mỗi năm vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, để đáp ứng quá trình đô thị hóa nhanh, dự tính từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần đầu tư khoảng 8,3 tỷ USD vào lĩnh vực xử lý nước thải đô thị.
Trong khi đó, báo cáo “Đánh giá lĩnh vực vệ sinh môi trường đô thị khu vực Đông Á – Thái Bình Dương: Những hành động cần thiết” đã tổng hợp nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề vệ sinh đô thị tại 3 nước khu vực Đông Á-Thái Bình Dương gồm Indonesia, Philippin và Việt Nam. Báo cáo này đề xuất các nhà quản lý cần phát triển các chính sách tập trung vào con người; Thúc đẩy giải pháp kỹ thuật hiệu quả về kinh tế chi phí; Phát triển tổ chức thể chế bền vững để đảm bảo chất lượng dịch vụ; Xây dựng các kế hoạch tài chính khả thi./.