Người có duyên với khoa học hạt nhân

(VOV5)- Là một trong 4 cá nhân vừa được phong tặng Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc giai đoạn 2011-2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Nhị Điền cũng đồng thời là tấm gương tiêu biểu được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. 

Người có duyên với khoa học hạt nhân - ảnh 1
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền. Ảnh: vietq.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền đến với khoa học hạt nhân như một cái duyên và với nhiệt huyết, niềm đam mê và sự dấn thân trong nỗ lực sáng tạo của người làm khoa học, ông xác định gắn bó đời mình với ngành Hạt nhân nguyên tử, một ngành khoa học mới mẻ tại Việt Nam. 




Tốt nghiệp loại xuất sắc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1978, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền được phân công về làm việc tại Bộ Khoa học – Công nghệ. Thời điểm này, Việt Nam bắt đầu nghiên cứu về khoa học hạt nhân tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Tuy sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, nhưng với hoài bão, đam mê của tuổi trẻ, Nguyễn Nhị Điền vẫn xung phong vào công tác ngay từ những ngày đầu gây dựng lại lò phản ứng Đà Lạt. Nhớ lại ngày mới về đây nhận công tác, Nguyễn Nhị Điền không thể nào quên ấn tượng khi chứng kiến quy mô hiện đại của lò phản ứng hạt nhân và phòng thí nghiệm. Thế giới khoa học rộng lớn như mở ra trước mắt chàng trai trẻ, đã tiếp thêm niềm đam mê với ngành nguyên tử hạt nhân. 


Một năm sau đó, Nguyễn Nhị Điền là 1 trong 10 người đầu tiên của Việt Nam được chọn sang Liên Xô cũ đào tạo về lắp đặt, vận hành và quản lý lò phản ứng hạt nhân. Dấu mốc này đã tiếp thêm cho ông nghị lực để tiếp tục theo đuổi ngành hạt nhân nguyên tử. Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền chia sẻ: Khi được chọn là 1 trong 10 người đầu tiên đi Nga để đào tạo lắp đặt, vận hành, quản lý lò phản ứng hạt nhân, cả nước chỉ chọn có 10 người thôi, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm phấn đấu hơn. Khi lò phản ứng vận hành rồi, nhìn thấy một số sản phẩm đem phục vụ cho đất nước lại phấn chấn và cố gắng thêm. Chính những nghiên cứu của mình, của ngành đóng góp cho các ngành khác như y tế, nông nghiệp Việt Nam những thành quả. Tất cả những điều đó đã thôi thúc tôi phải làm việc, cống hiến, làm sao xứng đáng với việc mình được Đảng và Nhà nước đã tin tưởng, giao phó trách nhiệm và đầu tư cho mình học hành từ đầu những năm 1970.


Đến nay, sau 36 năm gắn bó với Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Phó Giáo sư –Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền cùng với các thế hệ đồng nghiệp, tham gia quản lý và vận hành hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, với nhiệm vụ sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt nơtron, các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng phục vụ các ngành như y tế, nông nghiệp… Trong đó, kết quả khởi động vật lý lò thành công và việc chuyển trả nhiên liệu độ giàu cao đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ tiêu biểu của năm 2011 và 2013. Đặc biệt, việc chuyển trả về Liên bang Nga nhiên liệu độ giàu cao đã qua sử dụng vào tháng 7/2013, đánh dấu lần đầu tiên các cán bộ khoa học và kỹ thuật của Việt Nam thực hiện việc chuyển trả nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, không gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến môi trường. Tháng 4/2015, Phó Giáo sư –Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền thiết kế, chế tạo container mẫu mới thay thế cho các container kiểu cũ đã duy trì trong 31 năm qua, đưa hiệu quả sản xuất đồng vị phóng xạ lên gấp 5 lần so với trước đây, đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của các bệnh viện có khoa y học hạt nhân trong nước.


Say mê với công việc không kể thời gian, hiện lịch làm việc hàng ngày của ông vẫn thường xuyên kéo dài khoảng 12 tiếng và hầu như không có ngày nghỉ lễ. Phó Giáo sư –Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền cho rằng đó là khoảng thời gian nuôi dưỡng niềm đam mê của nhà khoa học: Tôi chỉ đơn giản là muốn làm việc, muốn hiểu biết nữa. Trong khi kỹ thuật hạt nhân lại rất nhiều. Cứ nghe kỹ thuật, công nghệ nào mới thì mình lại muốn đọc, muốn biết. Cứ làm là công việc đưa đẩy mình muốn hiểu biết thêm nên cứ phải đọc và làm việc thôi.


Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền bày tỏ mong muốn tiếp tục làm việc và cống hiến công sức, trí tuệ của mình cho khoa học, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Với những đóng góp của mình cho ngành Hạt nhân nguyên tử, ông là một trong những cá nhân đại diện cho ngành Khoa học – Công nghệ được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác