(VOV5) - Cuốn sách chỉ ra vai trò – ý nghĩa của việc đọc sách và tủ sách gia đình, cách thức xây dựng, vận hành cũng như phương pháp đọc sách cơ bản một cách khá chi tiết
Xây dựng tủ sách gia đình – Cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh của tác giả Nguyễn Quốc Vương vừa ra mắt.
Sau hàng trăm cuộc nói chuyện, chia sẻ về đọc sách và xây dựng văn hóa đọc ở khắp ba miền đất nước, từ trường học nhà tù tới cơ quan công an, công ty , nhà thờ... có lẽ câu hỏi mà tác giả nhận được nhiều nhất là: “Làm thế nào để trẻ thích đọc sách?”; “Làm thế nào để người lớn cầm đến sách là không buồn ngủ?”, và cuốn sách Xây dựng tủ sách gia đình- cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh là câu trả lời đầy đủ của tác giả.
Là một người quan tâm đến giáo dục và nghiên cứu giáo dục, tác giả Nguyễn Quốc Vương rất coi trọng giáo dục gia đình và coi giáo dục gia đình là nền tảng. Trong công việc khuyến đọc cũng vậy, anh mong muốn mỗi gia đình ở Việt Nam dù giàu có hay nghèo khó, ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, đều có một tủ sách hoặc thư viện. “Khi đó nhà nhà có sách, người người đều đọc sách. Mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ trở thành gia đình đọc sách. Dân tộc Việt Nam sẽ trở thành dân tộc yêu sách và đọc sách.”
“Đọc sách để phát triển cá nhân, xây dựng tủ sách gia đình để góp phần tạo ra môi trường văn hóa trong cộng đồng địa phương, nâng tầm quốc gia là một cách. Chính vì vậy, thực hành trong và sau khi đọc sách còn là việc cá nhân vận dụng những gì đọc được từ sách, thu nhận được từ sách như tư tưởng, giá trị, phương pháp, kĩ năng vào thực tế để góp phần cải tạo xã hội, góp phần làm cho xã hội xung quanh mình tốt đẹp lên”. – Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.
“Hạnh phúc của cá nhân, sự phồn vinh và yên ấm của gia đình từng cá nhân không thể nào tách rời khỏi sự phát triển và tương lai của địa phương nơi gia đình cá nhân đó sống, cộng đồng nơi gia đình đó là thành viên. Chính vì vậy, làm sao để việc tìm kiếm hạnh phúc cho cá nhân, gia đình mình phải không mâu thuẫn với lợi ích chung, với sự phát triển của cộng đồng là nguyên tắc sống còn nếu muốn có được hạnh phúc bền vững.”
Cuốn sách chỉ ra vai trò – ý nghĩa của việc đọc sách và tủ sách gia đình, cách thức xây dựng, vận hành cũng như phương pháp đọc sách cơ bản một cách khá chi tiết từ việc thiết kế giá sách đến lựa chọn sách trong gia đình đặc biệt là cách đọc sách cùng con thế nào để giúp trẻ hứng thú với sách, hay cách “chữa bệnh buồn ngủ” của người lớn khi mới làm quen với việc đọc sách. Ngoài ra, ở phần phụ lục tác giả giới thiệu 100 đầu sách nên có trong tủ sách gia đình và thêm các thông tin về một số thư viện công cộng thư viện tư nhân, tủ sách gia đình khắp các địa phương trên cả nước để bạn đọc có thể tham khảo học tập.
Cuốn sách còn hữu ích cho những ai đang muốn làm công tác khuyến đọc, xây dựng tủ sách gia đình, cơ quan, trường học... nhưng còn băn khoăn chưa biết bắt đầu từ đâu. Cũng trong cuốn sách bạn đọc có “cơ hội được gặp gỡ những nhân vật “người thắp lửa” đang sở hữu thư viện gia đình hoạt động hiệu quả, giúp hàng trăm hàng nghìn trẻ em và người lớn có sách đọc.
Nguyễn Quốc Vương – sinh năm 1982 tại Bắc Giang, tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử tại Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2004 và đã có 8 năm học tập, nghiên cứu về Giáo dục Lịch sử tại Nhật Bản. Dành phần lớn thời gian cho công việc viết sách và dịch thuật, đến nay anh đã có hơn 70 đầu sách dịch và sách viết về nhiều lĩnh vực như: lịch sử học, văn hóa đọc, giáo dục trường học – được xuất bản. Đồng thời, anh còn là diễn giả sôi nổi ở lĩnh vực khuyến đọc, xây dựng văn hóa đọc sách tại Việt Nam.