(VOV5) - Cuộc đời nhà văn hóa Hữu Ngọc giống như một nhịp cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới và thế giới với Việt Nam.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc năm nay 98 tuổi. Ông sống gần trọn thế kỉ 20 và bắc cầu sang thế kỉ 21. Từ trước đến nay cũng hiếm có một tác giả nào đã vượt qua cái ngưỡng “cổ lai hy” rồi mà vẫn đi, viết đều đặn, tràn đầy say mê, tràn đầy nhiệt huyết và sức xuân như nhà văn hóa Hữu Ngọc. Cuộc đời ông giống như một nhịp cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới và thế giới với Việt Nam.
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc. Ảnh: hanoi.vietnamplus.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhà văn hóa Hữu Ngọc sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, đọc và hiểu chữ Hán. Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm trời mục "Mạn đàm truyền thống" cho tờ tiếng Pháp Le Courrier Viet Nam và tờ tiếng Anh Vietnam News. Mỗi bài viết của ông là một câu chuyên nhỏ dẫn dắt người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về nền văn hóa phong phú của Việt Nam. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa có phạm vi trải từ văn hóa các nước phương Tây sang các nước phương Đông, đặc biệt là văn hóa Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thấm đẫm chất văn hóa Thuận Thành, Bắc Ninh, ngay từ thuở nhỏ, ông thích tìm hiểu văn hóa nước ngoài. Đến khi đi làm, ông dành thời gian tìm hiểu văn hóa Pháp và nhiều nước khác. Công việc của ông có cơ hội được đặt chân tới nhiều nước trên thế giới. Đó là dịp ông đem tiếng nói và sự hiểu biết về văn hóa của mình truyền tải tới bạn bè quốc tế, để họ hiểu đất nước và nền văn hóa của Việt Nam. Hơn 10 năm qua, mỗi năm ông nói chuyện về văn hóa cho hàng vạn người nước ngoài nghe. Người nghe đặc biệt thích thú khi được ông phân tích quá trình hình thành và đặc điểm của nền văn hóa Việt Nam. Nhà văn hóa Hữu Ngọc chia sẻ: “Cái thứ nhất đối với người nước ngoài đó phải nói thế nào cho hấp dẫn, đó là bí quyết. Có một lần tôi nói chuyện cho 100 người ở Australia công tác trong ngành giáo dục. Sau đó về nước. họ về tổng kết chuyến đi và kết luận rất thích VN. Vấn đề mình phải nói sao cho rung cảm, biết đối tượng của mình chứ không thể nói theo kiểu lên lớp khô khan. Nói cụ thể cho họ hiểu. Họ đi các nước khác thấy như nhau thì mình phải vạch ra cho họ thấy VN khác các nước như thế nào”.
Nhiều người nói Hữu Ngọc là "nhà xuất nhập khẩu văn hóa." Nhưng trước hết ông không tự đặt mình là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mà luôn nghĩ mình là một người hưởng thụ văn hóa. Chính với suy nghĩ đó mà nhà văn hóa Hữu Ngọc đi nhiều, viết nhiều và truyền tải tới người yêu thích văn hóa như ông. Cho đến nay ông xuất bản hơn 30 cuốn, trong đó có cuốn sách quý "Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam" bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp. Cuốn sách đã được dùng làm món quà quý trao tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ bảy tại Hà Nội năm 1997. Từ năm 1997 đến nay ông vẫn tiếp tục viết để tập hợp thành một bộ sách lớn, dày 1.200 trang mang một cái tên mới "Lãng du trong văn hóa Việt Nam". Cuốn sách có 3 ấn bản bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh. Mỗi bài viết trong cuốn sách, ông coi như một cuộc dạo chơi và muốn độc giả tham gia cùng mình, qua đó, cùng họ hiểu và yêu sâu sắc hơn nữa con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Gần đây nhất là cuốn sách “Hữu Ngọc- đồng hành cùng thế kỉ văn hóa-lịch sử Việt Nam”. Nhà văn người Mỹ Lady Borton có tên Việt Nam là Lý, người bạn thân thiết với nhà văn hóa Hữu Ngọc, chia sẻ: “Tôi rất quý trọng bác Ngọc. Bác Ngọc đã ra không biết bao nhiêu cuốn sách. Cuốn sách “Hữu Ngọc- đồng hành cùng thế kỉ văn hóa-lịch sử Việt Nam”, theo tôi cuốn sách này là cuốn sách thân mật nhất của bác Ngọc. Thân mật nghĩa là gì, bác Ngọc kể về một số nhân vật, những người mà bác Ngọc đã được làm quen trực tiếp hoặc qua sách ví dụ ông Phan Bội Châu. Bác Ngọc gặp những người có ảnh hưởng sâu sắc nhất về đời sống của bác. Cái đó theo tôi rất là thân mật. Đây là cuốn sách rất là hay. Vừa là nhân vật nhưng cũng kể về phong cảnh Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc đối với bác Ngọc”.
Cuốn sách là những chia sẻ của ông về vốn sống, về văn hóa Việt Nam trong quá trình lịch sử, sự giao lưu với văn hóa nước ngoài. Bên cạnh chân dung những người Việt và những người bạn nước ngoài cùng thời với tác giả, bức tranh văn hóa Việt Nam cũng hiện lên rõ nét, chân thực qua những nẻo đường trải nghiệm của chính nhà nghiên cứu Hữu Ngọc ở Việt Nam và thế giới. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, cho biết: “Cuốn sách này là tổng hợp tất cả những tư liệu, bác đã đi gặp và viết, trong suốt cả một quá trình từ khi bác còn trẻ cho đến tận bây giờ, những người Việt Nam bác từng gặp hoặc những người bác từng chịu ảnh hưởng về mặt tư tưởng về mặt văn hóa. Họ là những chính khách như Hồ Chí Minh cho đến những nhà văn, nhà thơ, mỹ thuật, hội họa, âm nhạc. Những tri thức đó bác muốn truyền lại cho thế hệ sau này. Điều bác mong muốn là văn hóa VN phải có từ gốc rễ và phát triển bền chặt để người Việt Nam ngày nay thấm đẫm và hiểu rõ văn hóa Việt Nam”.
Ông được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập, Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương "Ngôi sao phương Bắc," Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm và "Lời Vàng" cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Giờ đây tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn đều đặn nói chuyện và viết về những vấn đề văn hóa Việt Nam, chỉ đơn giản là ông thích công việc này và coi đó là cuộc dạo chơi.