Những người giữ hồn dân ca Việt Nam

(VOV5) - 60 năm kể từ ngày phát sóng đầu tiên, chương trình Dân ca trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Những người làm chương trình rất tự hào bởi cho đến nay, đây là nơi duy nhất phát đi hàng trăm bài dân ca và nhạc cổ truyền mỗi ngày. Cũng bởi yêu lắm những câu hát dân ca mà các nghệ sĩ và biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn miệt mài sưu tầm, giới thiệu những di sản văn hóa tinh thần, mang quốc hồn, quốc túy của dân tộc đến thính giả cả nước. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Đã trở thành thông lệ, đều đặn hàng ngày, hàng giờ, hàng tuần… các chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền với đầy đủ các loại hình nghệ thuật theo cánh sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vươn xa tới thính giả cả nước, từ đồng bằng hay miền núi, từ đất liền hay biển, đảo xa xôi... Đặc biệt đối với những chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ Quốc thì mỗi khúc hát dân ca vang lên đều như tiếng lòng đưa họ về với quê hương, với tuổi thơ yên bình. Nghệ sĩ nhân dân Hồng Ngát, Phó Giám đốc Nhà hát, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhớ lại: Dù đã 27 năm công tác tại Đài nhưng với chị, mỗi tác phẩm thu thanh đều như một sự thử thách chính mình. Với những bài hát dân ca thì khi hát trong phòng thu, không có chất xúc tác trực tiếp là khán giả thì người nghệ sĩ phải gửi gắm tình cảm qua giọng hát, được cất lên từ đáy lòng mình. Từ một diễn viên đến khi trở thành lãnh đạo Nhà hát của Đài TNVN, Nghệ sĩ nhân dân Hồng Ngát luôn cố gắng sao cho mỗi chương trình thu thanh, thu hình ngày càng hay hơn mà vẫn giữ được bản sắc của từng làn điệu, từng loại hình âm nhạc truyền thống. "Trong khuôn khổ của làn điệu truyền thống chỉ có thể thay đổi được lời, theo nội dung nhịp thở của thời đại. Không thể phá cách với làn điệu như là làn điệu chèo có quân tử vu dịch, lới lơ, đường trường tiếng đàn... chẳng hạn thì khi muốn chuyển tải một nội dung mới thì vẫn phải xếp nó vào trong cái khuôn của làn điệu truyền thống đó. Khi hát lên có thể lời ca rất mới nhưng người ta nghe vẫn biết được làn điệu truyền thống của ông cha ta ngày xưa" - nghệ sỹ Hồng Ngát chia sẻ.

Những người giữ hồn dân ca Việt Nam - ảnh 1
NSND Hồng Ngát, Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam

Có lẽ với những nghệ sĩ, biên tập viên chương trình Dân ca, thì phải yêu, phải tâm huyết, trân trọng từng làn điệu, câu hát dân ca mới có thể theo nghề. Bởi ở những năm 60 của thế kỷ trước, khi đất nước còn chia cắt, theo làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, các nghệ sĩ đã đưa những làn điệu dân ca Quan họ như “Bây giờ kẻ Bắc người Nam/ Trăm năm chỉ có một ngày/ Đàn cầm ai nỡ dứt dây cho đành”, vượt qua vĩ tuyến 17 đến với đồng bào miền Nam, đã khích lệ tinh thần đồng bào, chiến sĩ. Khi hòa bình lập lại, các nghệ sĩ, biên tập viên Dân ca của Đài lại tìm hiểu, phân tích về cái hay, cái đẹp của dân ca các miền, giúp thính giả hiểu thêm về kho tàng âm nhạc phong phú của dân tộc. Nghệ sĩ ưu tú Thu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, chia sẻ: "Khi qua làn sóng người nghệ sĩ lại phải tạo cho mình một sân khấu riêng trong tâm hồn mình, tạo ra tình huống của nhân vật được viết ra trong các bài ca. Qua làn sóng phát thanh, khán giả chỉ lắng nghe giọng hát của người diễn viên đó và người diễn viên khi ca trên đài lại phải chuyển tải cái cách ca của mình như thế nào, diễn trong ca như thế nào để chuyển tài được tâm tư, tình cảm có nội dung thật nhất, hay nhất cho khán giả để khán giả có thể cảm được".

Nhạc sĩ Dân Huyền, một trong những người đầu tiên đưa chương trình dân ca lên sóng Đài TNVN cho rằng: Làm dân ca cũng giống như dệt một tấm vải, phải nâng niu, cẩn trọng trong từng đường kim, mũi chỉ, tấm vài đầu tiên ban giờ cũng rất khó. Nhưng nếu đã dệt được tấm vải đầu tiên tốt rồi thì những tấm vải sau sẽ không khó khăn lắm. Ông Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca, cho biết nhiều khi để có thể tìm được một làn điệu mới giới thiệu đến khán giả, nghệ sĩ, biên tập viên phải trèo đèo, lội suối hàng tuần đến từng bản làng ghi âm, lưu giữ dân ca. Theo ông Lạng: "Dân ca là phải nguyên gốc, đến những vùng đất ấy, con người ấy, những nghệ nhân ấy hát dân ca mới hay. Ví dụ như hát quan họ phải người quan họ hát mới hay; hay hát Đúm không đâu hát hay bằng Thủy Nguyên, Hải Phòng; hát Xuân Phả không đâu hay bằng Thanh Hóa… Tôi đi đến Cao Bằng, đến với một nghệ nhân Then ở làng, bản ít nhât tôi phải đi 5 đến 7 ngày, thậm chí để nghệ nhân hát được tôi phải phục, thậm chí phải làm lễ đấy thì họ mới hát".

Những người giữ hồn dân ca Việt Nam - ảnh 2
Nhạc sĩ Dân Huyền luôn đau đáu với việc gìn giữ dân ca nhạc cổ

Từ một chương trình phát sóng trong tuần đến nay mỗi tuần có đã 70 chương trình dân ca và nhạc cổ truyền được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình đã có đủ các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc như: Tuồng, Chèo, Cải lương, ca Huế, bài Chòi, dân ca Nam Bộ, quan họ Bắc Ninh, Ví Giặm… đặc biệt trên 40 dân tộc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam đều đã có tiếng hát dân ca trên làn sóng phát thanh. Để làm được điều đó, dường như tinh thần của những câu dân ca đã bao phủ, quyện thấm trong dáng vóc và thần thái của các nghệ sĩ, biên tập viên nơi đây. Để những làn điệu dân ca Huế, bài chòi, dân ca Nam bộ, quan họ Bắc Ninh, Ví Giặm, cải lương… đến với thính giả của Đài TNVN, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác