Phật giáo Việt Nam với các giá trị của văn hóa Việt

Phật giáo Việt Nam với các giá trị của văn hóa Việt  - ảnh 1



Hội thảo “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc” sáng nay (9/11) đã kết thúc sau hai ngày diễn ra tại Hạ Long (Quảng Ninh).

Tại hội thảo, hầu hết các học giả đều khẳng định giá trị to lớn của Phật giáo Việt Nam thời kỳ dưới triều Lý – Trần và Phật hoàng Trần Nhân Tông, đồng thời khẳng định ý nghĩa của nó đối với xã hội đương đại.

Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trước Trúc lâm Yên Tử, các tông phái Phật giáo ở Việt Nam đều được sáng lập bởi người nước ngoài, song đến Trần Nhân Tông, Phật giáo không còn là Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam, cũng không phải là Phật giáo Trung Quốc tại Việt Nam, mà là Phật giáo Việt Nam. Bước chuyển trong quá trình bản địa hóa Phật giáo chính thức được đánh dấu bởi sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử, Quảng Ninh.

“Việc ra đời Thiền phái Trúc Lâm đã kết thúc thời kỳ các tông phái Phật giáo Việt Nam do người nước ngoài sáng lập, chứng minh Phật giáo đã thực sự bắt rễ tại Việt Nam, thực sự được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển. Từ Yên Tử, Thiền phái Trúc Lâm đã lan tỏa ra cả nước, duy trì từ đời này sang đời khác, hòa quyện làm một với các giá trị của văn hóa Việt Nam”- GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Song hành cùng đất nước, sự thống nhất trong tổ chức của Phật giáo Việt Nam đã góp phần tạo nên sự đoàn kết, là nguồn nội lực quan trọng để đóng góp vào việc xây dựng đất nước, con người 
Việt Nam.


Tại hội thảo các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết cho sự phát triển của Phật giáo. Giải quyết được các vấn đề thách thức đặt ra đối với phật giáo nói chung và phật giáo châu Á, phật giáo Việt Nam nói riêng trong bối cảnh đời sống kinh tế xã hội có nhiều biến động.

Từ các góc độ tiếp cận và phương pháp giải quyết vấn đề khác nhau, các báo cáo đã tập trung làm rõ vai trò của Phật giáo, văn hoá Phật giáo trong tiến trình lịch sử, trong kiến tạo nền văn hoá của mỗi quốc gia vùng lãnh thổ.  Song giữa các báo cáo đều đi đến thống nhất xem phật giáo là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên đặc trưng của các nền văn hóa châu Á.

Một số báo cáo đã đề xuất cần phải xem Phật giáo như là một nguồn lực xã hội trong quá trình hội nhập và phát triển quốc gia.

Qua Hội thảo này, các nhà khoa học cũng chia xẻ những kinh nghiệm được rút ra từ lí luận và thực tiễn, từ việc bảo tồn và phát huy những giá trị của Phật giáo trong quá trình hội nhập Quốc tế và phát triển, kinh nghiệm hoằng pháp trong thời hiện đại, cho tới Phật sự từ thiện xã hội – công tác an sinh xã hội, xây dựng văn hoá cơ sở hiện nay…

Theo Thượng tọa T.S Thích Thanh Đạt- Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội: “Tất nhiên điều kiện lịch sử - Văn hoá - xã hội của mỗi nước và bản thân Phật giáo mỗi quốc gia trong từng thời kì lịch sử cụ thể có khác nhau nhưng trong đó chúng ta vẫn có thể nhận ra được những điểm chung nhất, những “đại đồng tiểu dị”, khi nhìn nhận Phật giáo với tư cách là một hệ thống tôn giáo – triết học – đạo đức – và lối sống đang vận động đi lên cùng mỗi quốc gia trong khu vực.

Thượng tọa T.S Thích Thanh Đạt nhấn mạnh: “Những kết quả nghiên cứu khoa học được trình bày tại hội thảo hôm nay không chỉ góp phần quan trọng trong việc đánh giá và tái khẳng định tầm quan trọng của Phật giáo trên bình diện xây dựng đạo đức, lối sống cho con người, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng một xã hội hòa bình, bác ái, hữu nghị hợp tác và cùng nhau phát triển»./.

Từ các báo cáo đã nhận được, Ban tổ chức Hội thảo chọn đưa vào kỷ yếu 62 bài của các học giả đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 14 bài của các nhà khoa học đến từ Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Myanma, Mỹ, Đức, Thái Lan; và 48 bài của các nhà khoa học Việt Nam.

Trong số 62 báo cáo có 27 bài viết về mối quan hệ giữa Phật giáo và văn hoá, xã hội Việt Nam trong lịch sử; và 35 bài viết thuộc các vấn đề lý luận chung của Phật giáo cũng như ảnh hưởng của Phật giáo đối với nền văn hóa, xã hội châu Á.

Nhân Trí/VOV online

Phản hồi

Các tin/bài khác