(VOV5) - Phát thanh Việt nam, gồm Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt nam và 68 Đài phát thanh trực thuộc ở các tỉnh thành, có bề dày truyền thống hơn nửa thế kỷ, hiện đang phát huy tối đa lợi thế của mình, tối ưu hóa các lợi thế phát thanh, hiện đại hóa không chỉ nội dung, chương trình mà còn cả công nghệ, khoa học kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong xã hội hiện đại.
Chương trình phát thanh trực tiếp nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về hòa bình cho Việt Nam, được thực hiện trong suốt 7 giờ trong ngày 27-1-2013 vừa qua. Đây chỉ là một trong số nhiều chương trình phát thanh trực tiếp của Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng, ngành phát thanh Việt nam nói chung, đã và đang thực hiện mỗi ngày, trong bối cảnh phát thanh ngày càng khẳng định vị trí của mình trong xã hội thông tin hiện đại. Các chương trình trực tiếp của Đài Tiếng nói Việt nam ngày càng nhiều, được thực hiện mỗi khi có các sự kiện quan trọng và trong các chương trình thời sự và chuyên đề hằng ngày, là hiện thực sinh động về việc Đài Tiếng nói Việt nam nói riêng, hệ thống phát thanh Việt Nam nói chung, đã và đang hội nhập mạnh mẽ cùng các Đài phát thanh trên thế giới trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu. Nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó trưởng Phòng Thời sự, Hệ Thời sự Chính trị, Đài Tiếng nói Việt nam, cho biết:“Trong năm qua, chương trình thời sự của chúng tôi có những thay đổi đáng kể.Ví dụ chương trình thời sự 12 h, trước đây, format của nó gần như một chương trình ưu tiên cho các tin tức về thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội thì sau này, chúng tôi cũng có thay đổi theo hướng vừa đảm bảo mục tiêu cập nhật nhanh nhất tin tức quan trọng về chính trị nhưng ưu tiên hơn cho các vấn đề dân sinh. Chúng tôi cũng tăng thời lượng, tăng tính sát thực với cuộc sống hơn bằng các tin tức, bằng việc nối cầu với các cơ quan thường trú trong và ngoài nước để làm cho bản tin, chương trình có không gian, tiếng động hiện trường, không khí tại nơi phản ánh, để chuyển tải những âm thanh cuộc sống về phòng thu phát trực tiếp”.
|
Bên cạnh việc thực hiện các chương trình trực tiếp, Đài tiếng nói Việt nam nói riêng và hệ thống Đài phát thanh ở Việt nam nói chung đã triệt để khai thác tính trực tiếp, mở, tức thời trên các kênh phát thanh để có thể kéo dài thời lượng khi có tin bài mới, tin bài “nóng”; đồng thời phản ánh được các sự kiện diễn ra trong đời sống một cách nhanh nhất, khai thác triệt để nhất, có hiệu quả nhất tính năng của phát thanh. Với các chương trình này, thính giả có thể tham gia trực tiếp vào nội dung chương trình, làm tăng tính đời thường của chương trình, tính gần gũi của phát thanh, làm cho phát thanh giống như một người bạn, một diễn đàn nơi mà mọi người có thể chia sẻ quan niệm, ý kiến. Nhà báo Đỗ Bích, Phó Giám đốc Đài Phát thanh, Truyền hình Quảng Ninh, chia sẻ: “Về lĩnh vực phát thanh, chúng tôi đang đẩy mạnh làm nhiều chương trình trực tiếp trong ngày. Trong các chương trình trực tiếp, chúng tôi đặt ra 6 chữ vàng là trực tiếp, thảo luận và tương tác. Lượng thính giả cùng tham gia vào chương trình, cùng có tiếng nói trong phòng thu, cùng lên sóng đồng hành cùng các tác giả, người dẫn chương trình, biên tập viên. Thính giả cảm thấy sự kiện phát thanh cùng chảy theo dòng sự kiện, thính giả cùng đồng hành với nhà báo.”
Trong hành trình khẳng định vị trí của mình đối với công chúng hiện đại và vươn xa, hội nhập cùng các nước trong khu vực và trên thế giới, hệ thống phát thanh ở Việt Nam đã thực hiện cuộc cải cách mạnh mẽ, tăng cường các hình thức thông tin, tiếp cận công chúng. Đáng kể nhất là việc Đài Tiếng nói Việt nam liên tục đổi mới công nghệ truyền dẫn và phát sóng, sử dụng tối đa công nghệ, thiết bị phát thanh, truyền hình hiện đại, các phần mềm hỗ trợ phát thanh, mạng internet toàn cầu, mạng LAN, các thiết bị phát sóng phát thanh, công nghệ viễn thông với những ứng dụng cung cấp ngày càng nhiều tiện ích cho người sử dụng. Sự thay đổi về công nghệ và các hình thức chuyển tải thông tin chính là những bước chuyển mạnh mẽ nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam trong môi trường thông tin kỹ thuật số toàn cầu hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết: “ Trong những năm gần đây, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có nhiều đầu tư đặc biệt cho khâu truyền dẫn, phát sóng và phủ sóng. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng tăng cường phủ sóng cho các vùng sâu, vùng xa và đảm bảo việc phủ sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt nam cho hầu hết tất cả đồng bào trong cả nước. Bên cạnh đó, Đài Tiếng nói Việt nam cũng có đầu tư, tính toán mở rộng các vùng phủ sóng đặc biệt là các vùng xa và tập trung cho các vùng châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông và các vùng lân cận Việt Nam”.
Với những ưu thế về thông tin gần gũi, phát thanh trực tiếp, truyền tải thông tin theo hướng hiện đại, phát thanh Việt Nam ngày càng khẳng định được thế mạnh và sự hấp dẫn của mình trong lòng công chúng Việt nam và thế giới. Trong hành trình phát triển của mình, phát thanh Việt Nam đã không ngừng đổi mới để phục vụ nhu cầu thông tin của công chúng và tới đây, sẽ còn tiếp tục nâng cao chất lượng, quan tâm đến những nhu cầu cụ thể, gần gũi với đời sống hàng ngày của công chúng, đáp ứng hơn nữa lợi ích của những nhóm công chúng nhỏ. Những người làm báo phát thanh của Việt Nam, cũng sẽ tận dụng tính năng của báo phát thanh trong mối tương quan với khả năng tương tác của Internet, truyền hình, báo in.. để phát thanh xứng đáng là cây cầu tri thức thông tin trong xã hội hiện đại./.