(VOV5) - Tài nguyên văn hóa có thể đem lại những tiềm năng to lớn và hỗ trợ quá trình chuyển đổi gắn với du lịch tăng trưởng xanh.
Hội thảo khoa học “Sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức diễn ra chiều 9/5 tại Hà Nội.
Đây là hội thảo nằm trong Chương trình nghiên cứu: “Phát triển Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh”, của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, với mục đích thu thập thông tin, lấy ý kiến tham vấn từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các doanh nghiệp, cộng đồng….
PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban nghiên cứu Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. - Ảnh: Lã Lương |
Tại hội thảo, PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban nghiên cứu Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: “Quá trình phục hồi kinh tế xã hội của đất nước ta sau hậu quả của đại dịch COVID đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải tiếp tục nhận thức đầy đủ hơn, hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn, để đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường, với các hiểm họa sống còn xuất phát từ sự mất cân bằng giữa con người và tự nhiên. Tài nguyên văn hóa, với tư cách như một nguồn quan trọng của sáng tạo và đổi mới, của các giá trị đa chiều về tinh thần và vật chất, có thể đem lại những tiềm năng to lớn và hỗ trợ quá trình chuyển đổi gắn với du lịch tăng trưởng xanh, cũng như để hướng tới mục tiêu tổng thể vì một nền kinh tế và xã hội lành mạnh, xanh và công bằng hơn.”
Tại hội thảo, các chuyên gia văn hóa nêu rõ thực tế, sự phát triển của du lịch tại các di sản đem lợi ích lớn cho cộng đồng, nhưng cũng mang sức ép đến cho di sản. Khách du lịch và cư dân tập trung đông vào khu trung tâm tham quan, nghỉ ngơi, làm việc, buôn bán cũng sẽ làm tăng một khối lượng lớn nước thải, rác thải sinh hoạt và kinh doanh, nếu không có những biện pháp xử lý chất thải tốt thì cũng sẽ khiến môi trường bị ô nhiễm. Mặt khác, lợi ích kinh tế cao do du lịch mang đến đã khiến cho người dân các địa phương khác đến nơi du lịch để tìm hiểu cơ hội đầu tư, thuê mặt bằng kinh doanh buôn bán, tìm việc. Nếu không có những biện pháp kiểm soát tốt cả về cơ chế, chính sách đầu tư thì đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phá vỡ môi trường sống, môi trường văn hóa đặc thù của địa phương làm du lịch.
Quang cảnh hội thảo. - Ảnh: Lã Lương |
Các tham luận của các chuyên gia văn hóa trong hội thảo tập trung vào 5 vấn đề: cơ sở lý luận về thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, cùng có lợi giữa quản lý, sử dụng tài nguyên văn hóa và phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh; Thực trạng cơ chế, chính sách bảo vệ và phát huy tài nguyên văn hóa gắn với du lịch tăng trưởng xanh; Thực trạng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh dựa trên nền tảng tài nguyên văn hóa (như: các dịch vụ lưu trú; các tour du lịch gắn với tài nguyên văn hóa và tăng trưởng xanh, các sản phẩm lưu niệm, ẩm thực; các lễ hội, sự kiện mới, đương đại…); Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa trong quản lý tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, tăng trưởng xanh; Dự báo một số xu hướng và đề xuất các mô hình, tiêu chí, các chính sách, giải pháp nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo hướng du lịch tăng trưởng xanh.
TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và & Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát bỉiểu tại Hội thảo. - Ảnh: Lã Lương |
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: “Yêu cầu sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo hướng du lịch tăng trưởng xanh là một thách thức, đòi hỏi các góc nhìn đa chiều và cách tiếp cận tích hợp, liên ngành, đặt tài nguyên văn hóa và phát triển du lịch xanh trong các khuôn khổ và những chiều kích tư duy mới, tiên phong của sự phát triển bền vững, nhưng đây cũng là cơ hội và con đường tất yếu để hướng tới sự tăng trưởng lành mạnh, xanh và công bằng hơn, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước và xu thế toàn cầu.”