(VOV5) - Năm 2013, Đề án phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020 (Đề án 317) được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở trên biển, đảo, được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế theo nhu cầu dự phòng, cấp cứu và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đề án được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc 28 tỉnh thành phố ven biển, trong thời gian từ năm 2013 đến 2020, với tổng ngân sách là 8200 tỷ đồng.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Việt Nam với hơn 3260km đường biển, cùng hệ thống đảo, hải đảo ven bờ. Việc phát triển chuyên ngành y học biển và xây dựng mạng lưới y tế biển đảo mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho người dân, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh biên giới trên biển của Tổ quốc. Để tiếp tục triển khai đề án này, trong năm 2014, các bộ ngành và địa phương ven biển tập trung xây dựng các dự án thành phần trong đó, Bộ Y tế là đơn vị đóng vai trò quan trong trong việc tổ chức hướng dẫn các đơn vị, xây dựng các trung tâm tiếp nhận, cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù tại các vùng biển, đảo tại các địa phương. Sau 1 năm triển khai, Đề án đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương Y tế Biển đảo, trong đó Bộ Y tế là đầu mối phối hợp cùng Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành chung tay thực hiện. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết:
Một năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành đi khảo sát được các đảo Trường Sa, đảo Cô Tô, đảo Đảo Bạch Long Vĩ, đảo Thổ Chu, để xác định rõ hơn, thực tế hơn về nhu cầu về khám chữa bệnh, nhu cầu về cán bộ y tế và cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức cho các vùng y tế biển đảo. Chúng tôi cũng thành lập các bộ môn y học biển tại trường Y Hải Phòng, Y Hà Nội, Y dược thành phố Hồ Chí Minh và có Viện Y học biển được tăng cường với vai trò chỉ đạo Quốc gia về vấn đề Y học biển, lo công tác tập huấn, xây dựng tham mưu xây dựng chiến lược, đào tạo cán bộ riêng cho y yế biển.
Bộ trưởng y tế tặng tử thuốc cho ngư dân
Bộ Y tế cũng tổ chức tập huấn cho các chiến sỹ quân y để họ về đất liền để đào tạo theo các nhóm vì thế một số đảo cũng có thể mổ dạ dày, mổ ruột thừa, có thể đỡ đẻ, chữa bệnh tim mạch, khám sức khỏe định kỳ cho những người dân sống trên đảo. Hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe khu vực biển đảo chủ yếu do lực lượng quân y đảm nhiệm. Các tuyến còn lại do lực lượng quân dân y kết hợp. Tuy nhiên do lực lượng mỏng, trang thiết bị và thuốc thiết yếu còn hạn chế, nhưng bằng trách nhiệm và tấm lòng của người thầy thuốc, công tác khám chữa bệnh cho ngư dân và chiến sỹ vẫn được bảo đảm. Bác sỹ Đặng Hồng Nam, Trạm xá trưởng đảo Phan Vinh, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa, cho biết: Chúng tôi làm bác sỹ ngoại khoa. Khi ra tuyến y tế biển này những đồ mà chúng tôi mang ra đảo để can thiệp cho phẫu thuật còn hạn chế, nên gặp khó khăn. Ra đây bằng những trình độ và kinh nghiệm đã công tác tại bệnh viện ra đây chúng tôi cũng đã làm tốt được công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội cũng như ngư dân đánh bắt hải sản quanh đảo.
Theo thống kê, hiện có khoảng 1 triệu lao động làm việc trên khoảng 120 nghìn tầu cá. Trong đó có 29.000 tàu cá hoạt động ở ngư trường xa. Các ngư dân đang ngày đêm bám biển, sản xuất, đối mặt với sóng gió các tai nạn tiềm ẩn, sự cố về sức khỏe khó cứu chữa kịp thời do ở xa đất liền. Trước những khó khăn này, Bộ Y tế đã xây dựng nhiều chương trình hành động dể đồng hành cùng ngư dân bám biển. Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Y tế tặng 300 tủ thuốc và dụng cụ y tế cấp cứu ban đầu cho 300 tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân, tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí tặng quà cho 500 người dân, mổ, mắt miễn phí cho 50 người cao tuổi. Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết thêm: Hiện chúng tôi đang ban hành thông tư để thực hiện quyết định của chính phủ về nghĩa vụ luân phiên hoặc đề án mà các bác sỹ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá về 62 huyện nghèo về những vùng biển đảo. Những bạn xung phong sẽ được đào tạo chuyên khoa trước khi được về tiếp nhận công tác ở đó. Chúng tôi cũng dự định triển khai tầu bệnh viện để giải quyết việc cấp cứu bệnh nhân lúc xảy ra sự cố. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng 5 bệnh viện vùng để có thể giúp cứu chữa bệnh nhân, ngư dân dánh bắt xa bờ, chiến sỹ canh biển, trong đó, triển khai sớm cho vùng Đà Nẵng với việc xây 6 trung tâm cấp cứu 115 trên đảo.
Mặc dù còn gặp nhau khó khăn trong việc triển khai đề án, nhưng với sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của ngư dân cả nước, những ngư dân, những chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió sẽ thêm niềm tin, sức khỏe để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc./.