Quốc Văn Giáo Khoa Thư: không còn là hồi ức

(VOV5) -Gần một thế kỉ đã trôi qua, bộ sách Quốc văn giáo khoa thư vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục và tính sư phạm cao, ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi với trẻ em.

Quốc Văn Giáo Khoa Thư từ lâu được coi là bộ sách giáo khoa tiếng Việt đầu tiên, được xuất bản vào khoảng những năm 20 đầu thế kỉ 20, với sự tham gia của các soạn giả uy tín, có tên tuổi như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận.

Quốc Văn Giáo Khoa Thư: không còn là hồi ức - ảnh 1

Ra đời với mục đích dạy chữ quốc ngữ cho học sinh cấp Sơ học yếu lược (tương đương với ba năm đầu tiểu học ngày nay) từ Bắc vào Nam, bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư gồm ba quyển: Quyển Ðồng ấu - Cours Enfantin dành cho học sinh lớp Năm, gồm 34 bài đầu dạy trẻ các chữ cái và đánh vần, 55 bài sau là các bài tập đọc; Quyển Dự bị - Cours Préparatoire dành cho lớp Tư, gồm 120 bài tập đọc; Quyển Sơ đẳng - Cours Elémentaire dành cho lớp Ba, gồm 84 bài tập đọc.

Điểm thú vị nhất của bộ sách đó là trong các bài tập đọc luôn lồng ghép nội dung về luân lí, lịch sử, địa lí, vệ sinh, tự nhiên… kèm theo phần giải thích từ ngữ, bài tập và tập viết. Mỗi bài đều có hình minh họa, theo lối tranh khắc gỗ hồn nhiên, chân phương mà có tài liệu cho là của họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ.

Những lời dặn dò của giáo viên được ghi chú phía dưới, những bài học ngắn, dễ hiểu, được đúc rút trong một câu hoặc cụm từ giúp trẻ nhớ lâu: Sớm tối thăm nom cha mẹ, Thợ cấy hát dịu dàng, Mùa xuân là mùa vui vẻ, Thân thể thì phải năng vận động…

Quốc Văn Giáo Khoa Thư: không còn là hồi ức - ảnh 2

Theo nhóm tác giả, ở phần Tiểu dẫn: “Lối dạy những chữ cái như thế này, trên có chữ, dưới có tiếng, bên cạnh lại có tranh vẽ. Thí dụ như học chữ i, đứa trẻ nhìn nhận rõ mặt chữ và đọc lên cho đúng âm. Ông thầy lại đọc tiếng “đi” lên cho nó nghe, mà bảo rằng trong tiếng “đi” có chữ “i". Tiếng “đi” lại có tranh một đứa trẻ đi học. Như thế là đứa bé mắt nhìn mặt chữ, mồm đọc âm chữ, tai nghe tiếng có âm chữ, mắt trông thấy hình tượng cái tiếng có chữ, rồi tay lại tập viết chữ ấy. Học như thế, bao nhiêu giác quan đều hoạt động, thì học chữ nào là chữ ấy in hẳn vào óc không sao quên được nữa.

Những tranh vẽ trong quyển sách này lại có cái lợi khác nữa: là khiến đứa trẻ trông thấy tranh vẽ lấy làm thích mà muốn học và nhân đấy nó lại học được những sự vật thiết dụng hằng ngày”.

“Trong từng quyển sách, mỗi bài học đều có tác dụng riêng. Bài học tiếng cốt để cho trẻ học biết thêm tiếng. Bài đặt câu cốt để trẻ chọn những tiếng đã dạy ở trên mà điền vào những nơi bỏ trống cho ăn nghĩa. Bài trả lời câu hỏi cốt để khiến cho học trò phải nghĩ mà học đặt câu. Trước khi ra cho trẻ làm bài, ông thầy phải hỏi để nó đáp lại đã”.

Ở lần tái bản này, Nhà xuất bản Kim Đồng chủ yếu dựa vào bản in năm 1935, kể cả phần học vần và tập viết của quyển dành cho lớp Đồng ấu. Một số bài có nội dung không còn phù hợp đã được lược bỏ. Những cách viết theo kiểu cũ đều được chữa cho phù hợp với cách viết của tiếng Việt hiện tại, chẳng hạn, không dùng dấu gạch nối giữa các từ ghép; những lỗi in sai, nhầm lẫn đều được chỉnh sửa chu đáo. Riêng phần tranh minh họa, Nhà xuất bản đã xử lí mĩ thuật công phu hơn, làm cho rõ nét hơn.

Gần một thế kỉ đã trôi qua, nhưng những bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư vẫn còn nguyên giá trị, đọng lại rất nhiều ấn tượng và tình cảm đẹp trong lòng người học nhờ tính giáo dục và sư phạm cao, ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với tâm lí trẻ em. Sách được đóng hộp trọn bộ ba quyển, hình thức trang nhã, lịch sự, phù hợp làm quà tặng hoặc trưng bày tại Thư viện trường học, tủ sách gia đình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác