(VOV5) - Công nữ Anio là một trong những dự án xuất bản kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023).
Cuốn sách Công nữ Anio kể về cuộc đời của Công nữ Ngọc Hoa (? – 1645), con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong, và mối lương duyên đặc biệt của nàng với thương nhân Araki Sotaro đến từ Nhật Bản.
Câu chuyện tình này cho đến nay vẫn là nguồn cảm hứng cho hậu thế: Cứ bảy năm một lần, vào tháng 10, khung cảnh lễ rước kiệu đón công nữ sẽ được tái hiện trong phân cảnh thuyền Châu Ấn tại lễ hội mùa thu Nagasaki Okunchi tại tỉnh Nagasaki (Nhật Bản), như một biểu tượng cho mối bang giao bền chặt giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản.
Nhân dịp kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023), Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp cùng KADOKAWA CORPORATION (Nhật Bản) thực hiện tác phẩm tranh truyện lịch sử Công nữ Anio. Cuốn truyện kể về mối tình vượt đại dương của Công nữ Ngọc Hoa - con gái nuôi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên với chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro.
Cuốn sách Công nữ Anio kể về cuộc đời của Công nữ Ngọc Hoa (? – 1645), con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong, và mối lương duyên đặc biệt của nàng với thương nhân Araki Sotaro đến từ Nhật Bản.
Đầu thế kỉ 17, Nhật Bản bắt đầu mở cửa, cho phép thương buôn ra nước ngoài, hình thành nên nhiều khu phố Nhật Bản ở các nước trong khu vực. Lúc bấy giờ tại Nagasaki, có một thương nhân xuất thân là samurai (võ sĩ đạo) với ước mơ được lên thuyền đi khắp thế gian. Chàng chính là Araki Sotaro. Mang trong mình trái tim đầy can đảm, Sotaro rời Nhật Bản, dẫn đầu một đoàn thuyền Châu Ấn đến Hội An buôn bán.
Trong một lần dạo chơi, công nữ Ngọc Hoa vô tình gặp gỡ chàng thương nhân người Nhật. Hai người vừa gặp đã như quen biết từ lâu, hết sức tâm đầu ý hợp. Sau đó, thương nhân Sotaro quyết chí yết kiến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên để hỏi cưới người con gái mình đem lòng thương mến.
Sotaro nguyện thề với chúa Sãi rằng mình nhất định sẽ mang lại hạnh phúc cho Ngọc Hoa, dù là khi hai người còn ở quê nhà của công nữ hay khi đã về Nhật Bản. Cảm mến chàng trai khảng khái, chúa Sãi ban cho chàng tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang và gật đầu chấp thuận gả cô con gái yêu cho chàng.
Sau lễ rước dâu tại Hội An, công nữ Ngọc Hoa cùng Araki Sotaro lên thuyền đến Nagasaki (Nhật Bản) và tổ chức một lễ cưới linh đình. Cho tới tận ngày nay, hình ảnh lễ cưới của công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Sotaro vẫn còn được tái hiện qua Vũ điệu tế thần trong lễ hội “Nagasaki Okunchi”.
Mỗi khi trò chuyện với chồng, Ngọc Hoa thường gọi “Anh ơi!”. Người dân vùng Nagasaki nghe nhầm tiếng gọi ấy thành “Anio”, từ đó về sau, họ trìu mến gọi nàng là nàng “Anio”.
Cuốn sách Công nữ Anio là tác phẩm tranh truyện lịch sử ghi dấu sự kết hợp giữa phần nội dung do tác giả Nhật Bản thực hiện với tranh minh họa của các họa sĩ Việt Nam. Thông qua những bức tranh lung linh và lời kể cô đọng, Công nữ Anio thể hiện sự giao lưu văn hóa tốt đẹp giữa hai nước, cổ vũ tinh thần đoàn kết, học hỏi lẫn nhau.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, biên tập viên cuốn sách Công nữ Anio bày tỏ: “Theo tôi, điều khó khăn nhất đối với toàn bộ nhóm sản xuất Công nữ Anio là làm sao để kể một câu chuyện hấp dẫn, gần gũi dựa trên các nguồn sử liệu mà cả hai nước còn lưu giữ về cuộc đời của công nữ Anio và chồng. Các bên tham gia dự án đã nỗ lực đem đến một sản phẩm chỉn chu, phù hợp với độc giả mọi lứa tuổi, góp phần vào kho tàng truyện kể về những nhân vật lịch sử của dân tộc.”