(VOV5) - Hát dù kê là kịch hát truyền thống của nghệ thuật sân khấu hát và múa của người dân tộc Khmer.
Công bố các quyết định của Bộ trưởng VH-TT-DL công nhận các di sản phi vật thể của tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: nhandan.com.vn
|
Tối 30/10, tại thành phố Sóc Trăng, Cục di sản Văn hóa (bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Kỷ niệm 100 năm hình thành phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê.
Đây là dịp để tôn vinh những giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa phi vật thể. Hát dù kê là kịch hát truyền thống của nghệ thuật sân khấu hát và múa của người dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh.
Ông Mai Chanh Thone, Phó Đoàn Nghệ thuật Khmer Ron Ron, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, bày tỏ: "Kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu Dù Kê, tôi rất phấn khởi. Đây là nỗ lực của đồng bào Khmer đã gắn bó, giữ gìn những gì các bậc tiền nhân đã để lại về nghệ thuật sân khấu Dù Kê. Các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra sân khấu Dù Kê, nhóm bạn bè trong phum sóc lập thành gánh hát đi phục vụ cho bà con".
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công bố các quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận 3 loại hình, gồm: Loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa Rom Vong, Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ Âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng và Nghề thủ công truyền thống Nghề làm Bánh Pía ở xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.