(VOV5) - Ngày 10/2 (tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi), tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội, tổ chức chương trình “Vui xuân Kỷ Hợi: Sắc thái văn hóa Bắc Giang”.
Trò chơi dân gian cầu móc của người Việt ở Bắc Giang. Ảnh: BTDTH |
Du khách được tìm hiểu về người Nùng, Sán Dìu, Việt qua làn điệu dân ca quan họ Thổ Hà, hát Soong hao, hát Soọng cô; tham gia chơi trò chơi Cầu móc với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của người Việt ở Bắc Giang. Du khách được trải nghiệm dệt thổ cẩm và làm giấy truyền thống của người Cao Lan. Bên cạnh các hoạt động trình diễn, giới thiệu văn hóa Bắc Giang còn có các hoạt động mang đậm sắc thái của Tết cổ truyền như xin chữ đầu năm mới và tìm hiểu ý nghĩa, phong tục của dân tộc. Người yêu tranh Tết dân gian được giao lưu với nghệ nhân in tranh Đông Hồ và tự tay in những bức tranh mình yêu thích. Ngoài ra, công chúng có dịp trải nghiệm nhiều trò chơi của một số dân tộc: Nhảy chữ thập (Khơmú), nhảy rùa (Dao), đi cà kheo bỏ đũa vào lọ (Thái, Sán Chay), ném Pao (Hmông).
Ngày 10/2 (tức 6 Tết) diễn ra lễ giỗ Tổ làng nghề mộc Kim Bồng tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nghề mộc Kim Bồng được hình thành từ thế kỷ XV bởi những người thợ quê từ đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh di cư vào khai hoang lập làng. Đến thế kỷ XVIII, nghề mộc phát triển mạnh gồm ba nhóm chính là mộc xây dựng các công trình kiến trúc, mộc dân dụng và nghề đóng sửa tàu thuyền. Nghệ nhân Huỳnh Ri ở làng mộc Kim Bồng cho biết: “Lễ hội này gồm tất cả công, nông, ngư, chứ không riêng gì nghề mộc Kim Bồng. Chừ mình gọi là mộc Kim Bồng vì hồi trước nghề mộc là đứng đầu. Hầu như làng này 85% người dân làm mộc rồi. Bây giờ thêm các ngành nghề khác như thợ mộc, thợ nề, ngư dân… thành ra ngày hôm nay là ngày cúng tổ đầu năm của các ngành nghề Kim Bồng".
Cũng trong ngày 10/2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình diễn ra Lễ hội Gầu Tào năm 2019. Đến với Lễ hội Gầu Tào, các du khách được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Du khách còn được tham gia vào các hoạt động như: múa khèn, ném pao, nghi lễ dựng cây Nêu ngày Tết, xem bắn nỏ, đánh cù.